CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Đồng chí Phạm Hùng: Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
Thứ sáu 10/06/2022 16:51

Đồng chí Phạm Hùng (tên khai sinh là Phạm Văn Thiện), sinh ngày 11/6/1912 tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước cách mạng. Đồng chí Phạm Hùng là tấm gương mẫu mực về sự kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Đồng chí Phạm Hùng tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Mỹ Tho khi 16 tuổi; vinh dự được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học khi 18 tuổi; được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho khi 19 tuổi. Khi đang tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho vào ngày 2/6/1931. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình để tra tấn nhưng không thể nào khuất phục được ý chí cách mạng của đồng chí Phạm Hùng.

Đồng chí Phạm Hùng và bà con phường 9, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/1987 (Ảnh tư liệu)

Trong lao tù, đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân, đồng chí Phạm Hùng bị địch tống biệt giam vào xà lim. Ngày 20/9/1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên tòa Đại hình xét xử những người chống lại “an ninh công cộng”, đồng chí Phạm Hùng bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Tại đây, đồng chí đã cảm hóa một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án xử tử. Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước và thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí Phạm Hùng và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo vào tháng 01/1934.

Gần 15 năm trong tù đày, trong đó 12 năm bị giam ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã thể hiện khí phách cách mạng cao đẹp, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, là biểu tượng của “tinh thần thép”. Đồng chí đã cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh đòi giảm nhẹ chế độ tù khổ sai, cải thiện chế độ sinh hoạt nhà tù; trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị cho các bạn tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản. Trong khí thế Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với tư cách là Bí thư, đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945) và trở về đất liền tiếp tục tham gia lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam.

Sau khi được Đảng đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng nhanh chóng tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ. Đầu năm 1946, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam Bộ, lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, được Bác Hồ tặng danh hiệu Nam Bộ Thành Đồng.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng. Khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng, như: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng là dịp chúng ta ôn lại  thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng, qua đó giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

   Ngọc Hiền