CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19/4/1972 - 19/4/2022): Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG GIẢI PHÓNG HUYỆN HOÀI ÂN
Thứ sáu 08/04/2022 09:43

Từ ngày 9/4/1972, quân và dân huyện Hoài Ân cùng quân và dân cả tỉnh phối hợp với Sư đoàn 3 Sao vàng, bằng khởi nghĩa vũ trang đã dồn dập tiến công và nổi dậy, đập tan bộ máy ngụy quân, ngụy quyền - tay sai của Đế quốc Mỹ tại quận lỵ, giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19/4/1972. Đây là thắng lợi to lớn và là trang sử hào hùng, chói lọi của Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết (20/7/1954), Đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm miền Nam, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới. Ở Hoài Ân cũng như cả tỉnh Bình Định, kẻ thù thực hiện ngay chiến dịch tố cộng, diệt cộng, hòng tiêu diệt lực lượng và tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Đây là giai đoạn khó khăn nhất, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân đã cùng cả tỉnh vượt qua, giữ vững được lòng yêu nước và ý chí cách mạng tiến công, khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ngày càng mạnh mẽ.

Những năm 1961 - 1965, Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, góp phần cùng quân và dân toàn tỉnh, toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Những năm 1965 - 1968, với những chiến thắng oanh liệt như: Lộc Giang - Long Giang,  Xuân Sơn - Nhơn Tịnh,  bẻ gãy 2 cuộc hành quân “cánh trắng” 1 và 2 của Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ ở thung lũng sông An Lão và sông Kim Sơn, đẩy lùi hàng chục đợt càn quét, lấn chiếm của địch, góp phần cùng quân dân toàn tỉnh và cả nước đập tan chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Những năm 1969 - 1972, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Hoài Ân vẫn là một địa bàn trọng điểm đánh phá và là vùng thí điểm trong kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch ở Bình Định. Tuy vậy, Đảng bộ huyện Hoài Ân vẫn vững vàng trong lãnh đạo và chỉ đạo, kiên trì bám đất, bám dân, bám đánh địch, phát động quần chúng, xây dựng và phát triển thực lực tại chỗ, từng bước đưa phong trào cách mạng không ngừng vươn lên, khôi phục vùng giải phóng, giành thế chủ động trên chiến trường.

Chấp hành chủ trương của Khu ủy và Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao vàng khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Hoài Ân, với dự kiến có 6 trận đánh chính, trong đó Gò Loi là trận mở màn, Hòn Bồ là trận then chốt, quận lỵ là trận quyết chiến dứt điểm.

Qua một thời gian chuẩn bị, đúng 1 giờ sáng ngày 9/4/1972, bộ đội ta khai hỏa tấn công cứ điểm Gò Loi - một cứ điểm quan trọng và kiên cố trong hệ thống cứ điểm của địch ở Bắc Bình Định, án ngữ tại khu vực ngã ba Tân Thạnh (Ân Tường Tây) nhằm chia cắt địa bàn và đường liên lạc của ta đi về các hướng Bắc Hoài Ân và An Lão; Nam Hoài Ân và Vĩnh Thạnh; Bắc Phù Mỹ. Sau 20 phút chiến đấu mưu trí, linh hoạt, dũng mãnh, ta đã diệt gọn quân địch và hoàn toàn làm chủ trận địa. Từ đó, quân và dân huyện Hoài Ân cùng với Sư đoàn 3 dồn dập tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công liên tục, mạnh mẽ, đánh chiếm các chốt điểm quan trọng, tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch, bức địch ra khỏi các chốt điểm, giải phóng các xã và siết chặt vòng vây quận lỵ. Đúng 11 giờ trưa ngày 19/4/1972, cờ giải phóng tung bay trên quận lỵ, ta giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân với hơn 30.000 dân.

Suốt 10 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.744 tên địch, bắt và buộc hàng 1.430 tên (có 191 ác ôn, tề điệp; 260 lính cộng hòa; 168 lính bảo an; 185 dân vệ; 36 chỉ huy phòng vệ dân sự). Tiêu diệt 3 tiểu đoàn cộng hòa, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác, diệt và làm tan rã toàn bộ 2 liên đội bảo an, 29 trung đội dân vệ, phá rã toàn bộ 16 trung đội phòng vệ dân sự. Thu và phá hủy 1.021 súng các loại, trong đó có 4 khẩu pháo 105 ly, 15 súng cối 60 - 160 ly, 4 xe M.113, 7 xe GMC, bắn rơi 10 máy bay lên thẳng. Ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy ngụy quyền từ quận đến xã, thôn ở Hoài Ân.

Huyện Hoài Ân là một huyện đồng bằng đầu tiên của Khu V được giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời là một trong những huyện giải phóng hoàn chỉnh trên chiến trường miền Nam trong cuộc tiến công chiến lược 1972, Hoài Ân trở thành căn cứ  và bàn đạp của Bình Định và Khu V về sau. Một tuần sau ngày giải phóng Hoài Ân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương gửi điện khen ngợi thành tích xuất sắc của Sư đoàn 3, của quân và dân Bình Định. Đặc biệt, thắng lợi to lớn trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, không chỉ giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân, mà còn tạo nên thế và lực mới tiếp tục giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Nhơn và phần lớn huyện Phù Mỹ, mở ra một vùng giải phóng liên hoàn ở Bắc Bình Định, cắt đứt giao thông của địch trên Quốc lộ 1, tạo ra sự chia cắt các vùng chiến thuật của địch trong nhiều tháng. Nam trong cuộc tiến công chiến lược 1972, Hoài Ân trở thành căn cứ  và bàn đạp của Bình Định và Khu V về sau.

Chiến thắng giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân ngày 19/4/1972 có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng không chỉ trên chiến trường Bình Định mà còn đối với các tỉnh Khu V và cả miền Chiến thắng này bắt nguồn từ đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, mà trực tiếp là sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Định, Huyện ủy Hoài Ân. Đó là chiến thắng của ý chí tự lực, tự cường, của tinh thần đấu tranh kiên trì, dũng cảm, mưu trí, biết phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh 3 mũi giáp công, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, chớp lấy thời cơ để giải phóng, giành chính quyền về tay nhân dân.Nam lúc đó.

Với ý nghĩa lịch sử, to lớn của chiến dịch Xuân - Hè giải phóng Bắc Bình Định năm 1972 mà một cột mốc quan trọng là giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân, năm nay tỉnh ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân nhằm không chỉ ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ, quân và dân huyện Hoài Ân mà còn ôn lại truyền thống cách mạng của cả quân và dân tỉnh Bình Định. Đây cũng là dịp để mọi người tự hào về truyền thống đấu tranh của quê hương; đồng thời ghi ơn, tưởng nhớ những liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, những thương binh, bệnh binh và đồng bào, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh mồ hôi, xương máu và người thân của mình cho quê hương, đất nước. Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng vào công cuộc xây dựng quê hương hiện nay, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, toàn dân, cũng như các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của huyện, nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Nguyễn Triều Tiên