CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022): Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ sáu 28/01/2022 10:29

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - tất yếu lịch sử. Tuy nhiên, những chuyển biến của lịch sử, sự vận động của quy luật thành lập Đảng chịu sự tác động trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những nhà cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu về vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 

Bối cảnh và yêu cầu của lịch sử thế giới và Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Do đó, trên  thế giới xuất hiện mâu thuẫn mới: Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra và thành công (1917). Cách mạng này đã mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga còn cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Quốc tế Cộng sản được thành lập (3/1939). Từ đây, phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới, có tổ chức tham mưu và lãnh đạo. Đồng thời, sự kiện này còn thúc đẩy mạnh mẽ sự thành lập các đảng Cộng sản trên thế giới. Từ bối cảnh thế giới nói trên, đặt ra yêu cầu cần có chính đảng vô sản lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc; chính đảng ấy phải đặt dưới sự chỉ đạo của quốc tế cộng sản; con đường giải phóng dân tộc phải theo Cách mạng Tháng Mười Nga (cách mạng vô sản) và xu thế thời đại mới mà cuộc cách mạng này đã mở ra (thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới).

Trong nước, cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp xâm lược, từng bước đặt ách cai trị và tiến hành khai thác thuộc địa. Điều đó đã làm cho tình hình chính trị, kinh tế, xã hội... Việt Nam biến đổi sâu sắc. Các phong trào yêu nước theo khuynh hướng, lập trường tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản đã nổ ra. Mặc dù tinh thần yêu nước rất cao, nổ ra hết sức sôi nổi và mạnh mẽ.., song do nhiều lý do, nhất là thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, nên lần lượt thất bại và bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử. Từ bối cảnh trong nước, yêu cầu đặt ra là: Cần có một hệ tư tưởng mới - hệ tư tưởng tiên tiến (chủ nghĩa Mác - Lê nin), thay thế cho hệ tư tưởng phong kiến và tư sản đã lần lượt thất bại và bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử; cần có một giai cấp tiên tiến (công nhân), một tổ chức chặt chẽ (Đảng Cộng sản), với một con đường cứu nước mới (độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội), phù thực tiễn (giải quyết triệt để hai mâu thuẫn cơ bản (dân tộc và giai cấp) trong lòng xã hội) và đưa cách mạng Việt Nam theo xu thế của thời đại mà Cách mạng Tháng mười Nga đã mở ra.  

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng

Một là, tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn. Trải qua quá trình bôn ba tìm đường cứu nước (1911 - 1920), tháng 7/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Humanite (Nhân đạo) số ra ngày 16 - 17/7/1920. Tiếp đó, tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và bỏ phiếu tán thành việc đảng này gia nhập Quốc tế Cộng sản. Hai sự kiện này, chứng tỏ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy và lựa chọn dứt khoát con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Hai là, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào trong nước, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của Đảng. Trong giai đoạn 1921 - 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng.

Ba là, chuẩn bị và chủ trì hội nghị thành lập Đảng. Cuối năm 1929 đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có một quyết định có tính bước ngoặt: chuẩn bị (dự thảo các văn kiện, chọn thời gian, địa điểm, gửi thư triệu tập đại biểu các tổ chức cộng sản...) và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng (6/1-7/2/1930). Việc chuẩn bị và chủ trì Hội nghị của Người hoàn toàn chủ động, vì mãi đến tháng 2/1930 Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản mới về đến Sài Gòn. Và vì thế, nếu không có sự chủ động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ra đời khi những điều kiện đã chín mùi như lịch sử đã diễn ra.

Bài học cho hôm nay

Nghiên cứu về vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu: Bài học về vận dụng lý luận vào thực tiễn (sáng tạo, bám sát thực tiễn Việt Nam); bài học về tính chủ động, bản lĩnh độc lập, tự chủ; bài học về sự trung thành với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin… Những bài học nói trên ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Noi theo tấm gương sáng ngời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt mấy việc sau đây:

Thứ nhất, trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, cần có thái độ và phương pháp đúng đắn trong tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại. Phương pháp luận rút ra là cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, tránh hai khuynh hướng (đề cao hoặc xem thường) trong tiếp cận những học thuyết, thành tựu khoa học, công nghệ mới.

Thứ ba, cần tiếp tục kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việ Nam hiện nay. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể dùng “ngọn đèn pha” lý luận cách mạng và khoa học để “soi sáng” cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Thứ tư, đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Có thể thấy, trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có vai trò hết sức quan trọng đối với việc chuẩn bị và thành lập Đảng. Vai trò của Người thể hiện rõ qua việc tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chủ động chuẩn bị, triệu tập, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Từ đó, đã góp phần vô cùng quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930 - người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác hơn 90 năm qua. Do đó, có thể xác định lại quy luật ra đời của Đảng ta đúng như lịch sử đã diễn ra là: Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Hiện nay, những cống hiến vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nói chung, những bài học rút ra từ quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng của Người nói riêng, tiếp tục soi đường, dẫn lối cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, từ phương pháp luận rút ra, chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt phân tích, nhìn nhận đánh giá chính xác tình hình thế giới và trong nước. Từ đó, có được những đối sách phù hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Lê Văn Minh - Trường Chính trị tỉnh Bình Định