Toàn cảnh Hội nghị
Sau khi nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, kế hoạch thực hiện năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; ý kiến tham gia của các đồng chí tham dự buổi họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng ban Ban Chỉ đạo có ý kiến chỉ đạo, kết luận như sau:
Về kết quả đạt được; thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 03 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 36,36%) (riêng hồ sơ của huyện Tuy Phước đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét thẩm định và trình Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020); có 86/121 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,07%; số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,3 tiêu chí (vượt chỉ tiêu so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Định đến năm 2020 đạt 16,7 tiêu chí/xã). Toàn tỉnh có 91 tổ chức kinh tế (chủ thể) tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó 71 tổ chức kinh tế (chủ thể) với 81 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (5 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 65 sản phẩm 3 sao)… Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn; thực hiện tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, từ đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn những tồn tại, hạn chế: công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình đôi lúc còn chưa kịp thời; bộ máy chuyên trách thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cấp huyện, xã còn thiếu; việc phân bổ kinh phí cho các nội dung Chương trình chưa hợp lý, dẫn đến một số tiêu chí tuy đạt nhưng chưa thật sự bền vững; một số địa phương chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn cao…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do: nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp xã về xây dựng nông thôn mới còn chưa đầy đủ, quá chú trọng vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đến các hoạt động nâng cao mức sống người dân; công tác chỉ đạo của một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn thiếu, năng lực còn yếu, phải đảm trách nhiều lĩnh vực nên hiệu quả công việc chưa cao; nguồn vốn của Trung ương và tỉnh hỗ trợ Chương trình chủ yếu đầu tư về cơ sở hạ tầng; vốn sự nghiệp để phát triển sản xuất, văn hóa, môi trường chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức.
Về mục tiêu, nhiệm vụ thời gian đến: phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025: Công nhận 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn; nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 07/11 huyện, thị xã, thành phố (chiếm tỷ lệ 63,63%); có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó: 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; không còn số xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ đạo thống nhất với các đề xuất, kiến nghị của các ngành; đồng thời, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, địa phương, đặc biệt là các sở, ngành phụ trách, theo dõi các tiêu chí cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; đẩy manh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở; rà soát các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình, đặc biệt là việc thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nước sạch và môi trường; ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu, ban hành đề án tổng thể về tái cơ cấu ngành, trong đó, cần nghiên cứu, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất, sản xuất ứng dụng công nghệ cao...; tiếp tục huy động, phân bổ các nguồn lực hợp lý để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2021-2025…
Nguyễn Thành Luân - Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy