CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Đại hội XX Đảng bộ tỉnh
Ðột phá trong phát triển đô thị
Thứ tư 14/10/2020 09:41
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Bình Ðịnh đã duy trì và phát triển đô thị một cách hài hòa, bền vững, xây dựng diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại.

Đường Xuân Diệu chạy dọc bờ biển tạo cho TP Quy Nhơn không gian mở về hướng biển. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

ĐÔ THỊ XANH VEN BIỂN

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận, hướng đến phát triển đô thị hiện đại và bền vững. 5 năm qua, tỉnh đã thực hiện phát triển không gian đô thị về phía Bắc, Tây và Tây Nam, theo 9 khu vực với tổng diện tích gần 68.000 ha tại các địa phương: TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Phù Cát và Vân Canh.

Ông Trần Xuân Thủy, năm nay 90 tuổi, ở số nhà 30 Trần Văn Ơn, TP Quy Nhơn, kể: "Tôi làm ngành xây dựng ở tỉnh hơn 20 năm, sống ở Bình Định gần trọn cuộc đời. Tôi chưa bao giờ thấy đô thị, hạ tầng kỹ thuật ở thành phố phát triển nhanh và đẹp đến vậy. Các mảng xanh công cộng, công viên quy hoạch dọc bờ biển hiếm có tỉnh, thành nào có được. Những khu đất vàng, trung tâm của thành phố được dành cho cộng đồng. Những dự án khu khách sạn, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại lớn, sầm uất nhưng không quá cao, có khoảng không gian hở cho đô thị, cách xa bờ biển để tạo thông thoáng thuận tiện cho người dân ra biển".

Những năm gần đây, các dự án chung cư cao tầng, tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của Tập đoàn FLC, TMS, Altara, Anya… dần hình thành tạo bộ mặt hiện đại, trẻ trung, năng động và hài hòa với cảnh quan cho TP Quy Nhơn.

Ông Lê Đăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định: "Giai đoạn 2015 - 2025 có 13 dự án ưu tiên được đầu tư lớn. Hiện tỉnh đang tập trung chỉnh trang lại TP Quy Nhơn, trong đó ưu tiên làm thông thoáng không gian hướng ra biển, giải tỏa các công trình khách sạn, nhà hàng nằm sát bờ biển. Quy hoạch mới yêu cầu giữa các công trình phải tạo khoảng hở đủ rộng, có khoảng lùi giữa công trình so với đường phố. Quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh là tạo ra không gian xanh, mềm mại, giữ nguyên bờ biển Quy Nhơn, tránh dẫm lên "vết xe đổ" của các tỉnh lân cận khi trót giao bờ biển và mặt nước cho nhà đầu tư".

Công viên Vườn Dừa kéo dài từ đường Phan Chu Trinh - Xuân Diệu đến Tượng đài Chiến thắng rợp bóng cây xanh, không gian thoáng đãng. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Với nỗ lực trên, TP Quy Nhơn vừa được vinh danh "Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020". Mục tiêu của tỉnh là xây dựng TP Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch. Trong đó, trọng tâm Quy Nhơn sẽ là dịch vụ - cảng biển tạo động lực lan tỏa đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và đến cả vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Do đó, chương trình phát triển đô thị Quy Nhơn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt gồm 7 chương trình phát triển hợp phần: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu; cải tạo nâng cấp khu trung tâm TP Quy Nhơn và đô thị hóa; phát triển trung tâm động lực mới và Khu phức hợp công nghiệp đô thị - Becamex; Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội bao gồm các dự án về y tế, giáo dục, thể thao; phát triển trung tâm dịch vụ khu logistics; xây dựng cơ sở vật chất phát triển du lịch; phát triển Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa. Nhu cầu vốn cho 7 chương trình nói trên ước tính khoảng 84.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn đầu tư xây dựng ngoài ngân sách, chiếm hơn 93%, bình quân gần 4.000 tỷ đồng/năm, đang là bài toán mà lãnh đạo tỉnh tìm cách giải.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KHUNG

Trong nhiệm kỳ qua, Bình Định đã duy trì và phát triển đô thị một cách hài hòa, bền vững, xây dựng diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại; tạo tiền đề và động lực thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. UBND tỉnh phê duyệt 4 chương trình phát triển đô thị; kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2025; kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến năm 2030. Các địa phương hoàn thành các tiêu chí đề nghị công nhận 2 đô thị loại IV (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn; TX Hoài Nhơn) và 3 đô thị loại V (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ; xã Tây Giang, huyện Tây Sơn; xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Qua đó, nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 42% (tăng 9% so với năm 2015, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra - 40%). Riêng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận, đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt chỉ tiêu đề ra là 60%; quỹ đất mới để phát triển đô thị đạt tỷ lệ 79,7% (2.730/3.223ha). Đến nay, toàn tỉnh có 22 dự án đã đưa vào sử dụng và đang lựa chọn nhà đầu tư, với tổng diện tích 63,4 ha, tổng mức đầu tư 41.763 tỷ đồng. Nhiều khu đô thị mới hình thành tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn.

Khu đô thị mới ở TX An Nhơn.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 18 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn); 1 đô thị loại III (TX An Nhơn), 2 đô thị loại IV (Hoài Nhơn, Tây Sơn); 11 đô thị loại V hiện hữu (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh, Cát Tiến); 3 đô thị loại V hình thành mới (Phước Hòa, Phước Lộc, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45,3%.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó, việc đầu tư cho công tác quy hoạch, triển khai các dự án về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị phải đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại và có định hướng đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai. Từ đó, Bình Định mới vươn lên xứng tầm là một trong những trung tâm phát triển KT-XH, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

HẢI YẾN - Nguồn Báo Bình Định

Chưa config