Tham gia góp ý tại phiên thảo luận tổ chiều 15.5 đối với Luật Tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (LHQ), ĐB Nguyễn Lân Hiếu (thành viên Đoàn ĐBQH Bình Định) khẳng định hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình đã thể hiện vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, ĐB Hiếu cho rằng các giai đoạn vừa qua có rất nhiều chính sách bị vướng, cần phải bổ sung, nhất là chính sách về nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng trong vấn đề đột xuất phát sinh hay xử lý các vấn đề tại địa bàn.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần quan tâm, quy định cụ thể chính sách đãi ngộ cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình hết nhiệm kỳ trở về nước. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Hiếu đề nghị cần quan tâm, quy định cụ thể chính sách đãi ngộ cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình hết nhiệm kỳ trở về nước. Đồng thời, quy định rõ điều khoản để lực lượng quân y tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thống nhất cao việc ban hành Luật Tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ. Điều này khẳng định nguyên tắc Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực chủ động hội nhập.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị trong công tác tuyển chọn lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình phải có tiêu chí rõ ràng, huấn luyện nghiêm túc. Ảnh: Đoàn ĐBQh tỉnh
Dự thảo Luật đã đề ra rất nhiều nội dung mới như: Rút ngắn quy trình thủ tục triển khai lực lượng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật về bổ sung đối tượng dân sự, cụ thể là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tham gia gìn giữ hòa bình... Những điểm mới này giúp tạo hành lang pháp lý vững chắc, thuận lợi cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
ĐB Hạnh kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, điều ước quốc tế liên quan, các văn bản quy định chung của LHQ về việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; các bản ghi nhớ hợp tác của Chính phủ Việt Nam với LHQ về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại các phái bộ để cụ thể hóa các quy định tại dự thảo Luật cũng như điều chỉnh các luật có liên quan.
Đối với nội dung bổ sung đối tượng áp dụng tại Điều 2 là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, qua nghiên cứu, ĐB Hạnh cho rằng việc bổ sung lực lượng này phù hợp với các cam kết đã ký.
“Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm của LHQ đã có những cam kết tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế theo các quy định chung của tổ chức này. Các cam kết của Việt Nam với LHQ không có giới hạn trong LLVT, mà còn tích cực thúc đẩy mở rộng thêm lực lượng khác trong đó có lực lượng dân sự, phù hợp với nhu cầu thực tế của các phái bộ”, ĐB Hạnh nói.
Nhấn mạnh đây là hoạt động đặc biệt, có vai trò quan trọng trong góp phần thể hiện và khẳng định vai trò, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, ĐB Hạnh đề nghị trong công tác tuyển chọn lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình phải có tiêu chí rõ ràng, huấn luyện nghiêm túc. Đồng thời, có quy định cụ thể về nguyên tắc thực hiện chế độ cho lực lượng dân sự sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Chặt chẽ, đúng người đúng việc, công bằng
Thống nhất với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng Quốc hội đã thể hiện quyết tâm rất cao trong xây dựng nguồn nhân lực phát triển và ứng dụng công nghệ số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật.
ĐB Hạnh đề nghị cần rà soát kỹ, đảm bảo tính nhất quán, hợp lý các nội dung mà Quốc hội giao cho Chính phủ quy định trong định mức, trong danh mục nhiệm vụ hoạt động, định mức khoán chi, mục chi…
Đối với Điều 7 về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, ĐH Hạnh cho rằng đây là chính sách hỗ trợ và hỗ trợ có mục tiêu nên cần rà soát tất cả các đối tượng tham gia vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể các đối tượng được hưởng chính sách đặc biệt nhằm đảm bảo tính công bằng, đúng người, đúng việc.
“Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt nêu ở Mục 6 Phụ lục I là: “Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; công chức tham mưu tổng hợp trực tiếp giúp việc cho Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cho các ban của HĐND tỉnh. Vì đây là đội ngũ trực tiếp và thường xuyên làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật”, ĐH Hạnh kiến nghị.
Nguồn Báo Bình Định