CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Đảm bảo bình đẳng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế
Thứ sáu 16/05/2025 09:10

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15.5, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Cần quyết sách để phát triển kinh tế tư nhân

Tham gia ý kiến về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc (thành viên Đoàn ĐBQH Bình Định) cho biết, Hàn Quốc ngày xưa cũng giống như nước ta, nhưng hiện nay được biết đến là quốc gia phát triển KTTN thành công nhất. Bắt đầu từ thập kỷ 60, họ xây dựng các tập đoàn kinh tế như  Samsung, SK, Lotte, Hyundai... trở thành lực đẩy cho tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Hàn Quốc trong vài thập kỷ sau đó.

Còn Nhật Bản tập trung phát triển KTTN với nhiều DN vừa và nhỏ. Hiện nay, 70% việc làm của người dân Nhật Bản được tạo ra từ DN vừa và nhỏ này.

“Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách phát triển KTTN rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cần một quyết sách để phát triển KTTN cùng với các thành phần kinh tế khác để tạo đột phá cho nền kinh tế. Trong đó, cần có cơ chế thông thoáng, có những ưu đãi nhưng cũng phải đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách phát triển KTTN rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Đối với Điều 1 về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh đối với DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng việc quy định số lần kiểm tra tại DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng là chưa phù hợp.

Đồng thời, cũng cần cân nhắc, luận giải rõ ràng quy định trường hợp đối với cùng một nội dung thì cơ quan quản lý Nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

“Quy định như vậy liệu có đầy đủ không. Nếu có những lỗ hổng như an toàn vệ sinh thực phẩm, cháy nổ hoặc các vấn đề cấp thiết liệu các ngành có tổ chức thanh tra, kiểm tra 1 lần hay phải tổ chức nhiều lần?”, đồng chí Hồ Đức Phớc đặt vấn đề.

Điều 7 về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh quy định “Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định diện tích đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để dành cho DN công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại”.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng đây là quy định rất “vô lý”. Theo Phó Thủ tướng, Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế quy định diện tích tối thiểu của khu công nghiệp là 75 ha. Nếu tính cụ thể theo quy định trong dự thảo Nghị quyết giữa hai tiêu chí 20 ha/khu và 5% tổng diện tích đất có sự chênh lệch lớn. Việc quy định như dự thảo Nghị quyết chỉ đúng với các khu công nghiệp có diện tích 400 ha. Ngoài ra, Nghị định 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp quy định cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha; thì lấy đâu ra diện tích 20 ha để đầu tư như trong dự thảo Nghị quyết quy định”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn chứng.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc dự thảo Nghị quyết quy định Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa thực hiện các chức năng cho vay các DN nhỏ và vừa hay cho vay khởi nghiệp sẽ thất bại ngay từ khi “thiết kế”. Bởi ngay cả các ngân hàng thương mại cho vay có tài sản thế chấp cũng có thể không thu hồi được nợ, còn Quỹ không có cơ chế nào để thu lại được tiền, tài sản đảm bảo cũng không có.

Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải thiết kế Quỹ này theo hướng hình thành từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, lợi nhuận để lại hay đóng góp của tổ chức, cá nhân... và làm nhiệm vụ hỗ trợ cho DN. Đồng thời, quy định cụ thể việc hỗ trợ như: chuyển giao công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực, thu hút công nghệ cao, khen thưởng... chi và quyết toán đúng quy định.

Quy định cụ thể nội dung miễn thuế thu nhập đối với DN đổi mới sáng tạo

Đối với vấn đề hỗ trợ thuế, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị nội dung miễn thuế thu nhập đối với DN đổi mới sáng tạo nên được quy định cụ thể trong Luật Thuế thu nhập DN. Những lĩnh vực như phát triển KHCN, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, thuế thu nhập DN được hỗ trợ, được miễn và DN tư nhân hay DN nhà nước đều được hưởng như nhau.

Điều 11 quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu quy định gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho DN nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên DN do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, DN ở miền núi, biên giới, hải đảo. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có DN nhỏ và vừa đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và không phải áp dụng quy định trên.

Phó Thủ tướng cho rằng quy định như vậy khi áp dụng vào thực tiễn sẽ rất khó. “DN vừa và nhỏ có năng lực, điều kiện yếu hơn, có khi đằng sau có các DN khác giật dây, đấu thầu sẽ không minh bạch. Nếu ưu tiên cho DN vừa và nhỏ, sao không tính đến phương án quy định giao chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền đặt hàng hoặc chỉ định thầu luôn?”, Phó Thủ tướng nói.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh vấn đề cơ bản để phát triển KTTN quan trọng nhất là Nhà nước kiến tạo, tư nhân triển khai thực hiện mới thành công được. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát lại, đảm bảo quy định phải rạch ròi, minh bạch, để khi Nghị quyết ban hành đảm bảo không vướng mắc.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần giải thích từ ngữ cụ thể đối với từ “hồi tố các quy định của pháp luật”. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Tham gia góp ý, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (thành viên Đoàn ĐBQH Bình Định) cho rằng quy định càng rõ, cụ thể thì càng dễ thực hiện và đảm bảo hiệu lực sẽ cao. Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị cần giải thích từ ngữ cụ thể đối với từ “hồi tố các quy định của pháp luật” tại khoản 4, Điều 5 “Không được áp dụng hồi tố các quy định của pháp luật để xử lý bất lợi cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh”.

Nguồn Báo Bình Định