CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Cần phân cấp, phân quyền mạnh để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Thứ năm 08/05/2025 07:37

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, chiều 7.5, các đại biểu tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Phát huy hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng người tài

Tham gia thảo luận góp ý Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), liên quan đến vấn đề thu hút sử dụng người tài năng vào thực hiện các công vụ cho các cơ quan nhà nước, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng đây là vấn đề khó. “Cái khó đầu tiên là xác định như thế nào là người tài năng. Hiện nay chưa có khái niệm nào, quy định nào để xác định đó là người tài năng. Dù quy định như thế nào thì người tài năng phải được thể hiện trong thực tế, qua học tập, qua nghiên cứu, qua lao động sản xuất, công tác trên các lĩnh vực và được đánh giá, được công nhận”, ĐB Toàn nêu ý kiến.

Theo ĐB Lê Kim Toàn, người tài năng phải được thể hiện trong thực tế, qua học tập, qua nghiên cứu, qua lao động sản xuất, công tác. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

ĐB Toàn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc chưa rõ khái niệm như thế nào là người tài năng mà quy định cụ thể vào luật thì cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị cần làm rõ hơn các chính sách về thu hút, sử dụng người tài để gắn với việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng.

“Tôi thấy trong các DN có việc liên hệ đặt hàng với các trường học, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước để chọn người tài, từ đó định hướng trong việc giáo dục, tuyển chọn và sau này có chính sách tuyển dụng người tài về làm việc ở những vị trí tương ứng của DN. Do vậy, nếu muốn có những người thực sự giỏi sẽ gắn bó và có trách nhiệm với mình thì phải có những chính sách xuyên suốt và sâu như thế. Do đó, tôi mong muốn rằng trong luật này phải quy định rất rõ các chính sách, và chính sách đó phải được sử dụng một cách có hệ thống và trúng đích, phát huy hiệu quả thật sự”, ĐB Hạnh đề nghị.

ĐB Lý Tiết Hạnh nêu vấn đề cần có chính sách phát hiện, bồi dưỡng người tài ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Liên quan đến thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị cần phải nghiên cứu cho kéo dài thời gian thực hiện chế độ, chính sách đến năm 2030 để đảm bảo quyền lợi, vì hiện nay có nhiều người chưa đủ thời gian đóng BHXH và năm công tác, nếu không kéo dài sẽ gây thiệt thòi.

Giao quyền chủ động cho cấp xã

Đối với dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐB Lê Kim Toàn góp ý cần sớm có quy định cụ thể, chi tiết để thực hiện theo đúng phương châm tăng cường phân cấp, phân quyền, giao tính chủ động, nhất là đối với cấp xã.

“Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì không gian hành chính cấp xã sẽ rất lớn. Do vậy, nếu không phân cấp, phân quyền cho cấp xã để trực tiếp giải quyết các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì sẽ không đạt được hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tạo động lực, không gian phát triển”, ĐB Toàn nêu vấn đề.

ĐB Toàn đề nghị phải quy định rất cụ thể những việc cấp xã phải giải quyết trên từng lĩnh vực và những nghiệp vụ thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Việc xác định rạch ròi trách nhiệm, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cấp sẽ là cơ sở để giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, người dân và DN trong bối cảnh mới.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần có một danh sách đối chiếu các đơn vị hành chính trước và sau khi sáp nhập. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Cùng tham gia góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, trước đây khi sáp nhập đơn vị hành chính hay xảy ra tình trạng “nhập nhằng”, khi thực hiện thủ tục hay bị vướng. ĐB Cảnh đề nghị khi hoàn thiện hết các quy định pháp luật về chính quyền 2 cấp, cần có một danh sách đối chiếu các đơn vị hành chính trước và sau khi sáp nhập.

“Ví dụ cần ghi rõ phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, Việt Nam và sau khi sáp nhập trở thành phường Hải Châu, TP Đà Nẵng, Việt Nam. Danh sách này không chỉ công bố toàn quốc mà phải công bố ở các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác đang làm việc với Việt Nam”, ĐB Cảnh nói.

Đồng thời, ĐB Cảnh cũng đề nghị cần in mã QR địa chỉ cũ và địa chỉ mới trên các loại giấy tờ nếu người dân, DN yêu cầu để thực hiện các giao dịch được thuận tiện hơn.

M.LÂM - N.HÂN - H.PHÚC - Nguồn Báo Bình Định