Ngày 23.5, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp lần thứ 24 (kỳ họp chuyên đề lần thứ 16). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tập trung xem xét kỹ lưỡng các tờ trình, dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra; tổ chức thảo luận sôi nổi, trách nhiệm và thống nhất thông qua 10 nghị quyết quan trọng, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng, HĐND tỉnh đã triệu tập kỳ họp chuyên đề này để quyết nghị nhiều nội dung trọng tâm, có tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH năm 2025. Đáng chú ý là các tờ trình: Phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025; Bố trí vốn thực hiện dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại Khu bay Cảng hàng không Phù Cát; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; Điều chỉnh Nghị quyết về quyết định biên chế công chức và phê duyệt số lượng người làm việc của tỉnh năm 2025...
Quang cảnh kỳ họp.
Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng
Để có cơ sở báo cáo Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, đồng ý cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương là 1.746 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành dự án Xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại Khu bay Cảng hàng không Phù Cát. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án trên có tổng mức đầu tư 3.246 tỷ đồng; trong đó, nguồn tăng thu ngân sách Trung ương là 1.500 tỷ đồng, phần còn lại 1.746 tỷ đồng từ ngân sách địa phương vừa được HĐND tỉnh thông qua. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh thực hiện từ năm 2025 - 2028.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải khẳng định: “Dự án được đầu tư với mục đích đảm bảo khai thác hàng không dân dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, giữ đường cất hạ cánh số 1 luôn sẵn sàng phục vụ chiến đấu của các đơn vị quân đội. Khi hoàn thành, đường cất hạ cánh số 2 cũng sẵn sàng phục vụ các đơn vị quân đội khi có nhu cầu”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tây Sơn) tham gia ý kiến về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham gia ý kiến đối với tờ trình về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025 trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tây Sơn) cho biết, địa phương đang tích cực thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh là cố gắng giải ngân được hết các nguồn vốn của năm 2025 và nguồn của các năm trước chuyển sang. Đến nay địa phương đã giải ngân được trên 70% trong tổng số gần 4 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư xây dựng.
“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giải ngân đối với nguồn vốn thường xuyên rất chậm. Nguyên nhân là các đối tượng thụ hưởng trong các tiểu dự án còn lại rất ít, nếu có thêm nguồn vốn mới cũng khó triển khai tiếp. Dù vậy, thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, huyện Tây Sơn sẽ nỗ lực hoàn thành giải ngân nguồn vốn cho toàn bộ đối tượng thụ hưởng trước ngày 30.6.2025”, ông Hùng nói.
Đại biểu Lê Bình Thanh (đơn vị Tây Sơn) thống nhất với nội dung điều chỉnh giảm 84 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh năm 2025 theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 12.12.2024 của HĐND tỉnh để giao cho các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ năm 2025. Đại biểu Thanh khẳng định chính sách này là sự quan tâm rất lớn của tỉnh trong giai đoạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay và hết sức cần thiết để đáp ứng được tình hình hoạt động thực tiễn của các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Đại biểu Lê Bình Thanh tham gia ý kiến về điều chỉnh giảm số người làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập để giao cho các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ năm 2025.
Cán bộ không đủ năng lực sẽ bị đào thải
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng, việc triển khai các nghị quyết lần này diễn ra trong bối cảnh sáp nhập hai tỉnh Bình Định - Gia Lai. Đặc biệt, từ ngày 1.7, cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động và bắt đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ngày 22.5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua danh sách lãnh đạo chủ chốt của 58 xã, phường sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh, dự kiến đầu tháng 6.2025 sẽ công bố.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết trình tại kỳ họp.
Chủ tịch HĐND tỉnh nêu thực tế nhiều cán bộ trụ cột từ lãnh đạo cấp sở điều xuống cấp huyện, rồi tới đây lại xuống cấp xã. Có giám đốc sở về làm bí thư huyện, sau sắp xếp phải xuống làm bí thư xã, khó tránh khỏi tâm tư. Nhưng cũng có lãnh đạo cấp phòng ở huyện được làm chủ tịch, bí thư xã mới, ngang hàng với các bí thư, chủ tịch huyện hiện nay.
“Có những lo lắng về năng lực, trình độ và khả năng đảm đương nhiệm vụ. Ban Thường vụ xác định trước mắt phải mạnh dạn sắp xếp anh em làm. Nhưng cũng nói rõ là trong vòng 1 năm, nếu không đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải điều chuyển hoặc xuống chức để người khác làm”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nói.
Để đội ngũ lãnh đạo 58 xã, phường mới đảm đương được nhiệm vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu UBND tỉnh phải tổ chức các lớp tập huấn, nhất là về chuyển đổi số để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc. Yêu cầu này rất quan trọng khi bỏ cấp huyện, tỉnh sẽ phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền cấp xã. Nhiều thủ tục hành chính cho người dân, DN sẽ do cấp xã trực tiếp giải quyết.
Nhấn mạnh tỉnh Bình Định quyết tâm là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành phải vào cuộc một cách quyết liệt, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, không được lơ là. Nếu đơn vị nào làm chậm ảnh hưởng chung đến tỉnh sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
“Trong giai đoạn hiện nay, đồng chí nào không đủ năng lực, điều kiện để đáp ứng yêu cầu công việc thì sẽ tự đào thải. Ai không làm được việc thì tự rút lui, chứ không có chuyện như trước đây, làm được hay làm không được đến ngày đến giờ kiểm điểm vẫn xếp loại tốt”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nói.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng kịp thời hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bảo đảm các nghị quyết được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội; khắc phục các “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới để thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết khó khăn cho người dân và DN.
Cùng với đó là đẩy mạnh đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phấn đấu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính; tăng cường số hóa dịch vụ công; hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số… Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra, tạo nền tảng vững chắc để đưa Bình Định cùng cả nước bước vào “kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc”.
HOÀI THU - HỒNG PHÚC - Nguồn Báo BÌnh Định