Sáng 6.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.
Trong đó, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (thành viên Đoàn ĐBQH Bình Định) đã tham gia tranh luận với ĐB Trần Khánh Thu (thành viên Đoàn ĐBQH Thái Bình) về một số nội dung của dự thảo Luật này.
Góp ý về chế độ làm việc của nhà giáo, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết chế độ làm việc đối với nhà giáo phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý”. Bởi ngành y tế có đặc thù do nhà giáo tham gia giảng dạy tại các trường đào tạo khối ngành sức khỏe vẫn tham gia khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học…
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Luật Nhà giáo cần đưa ra định nghĩa nhà giáo đại học, sau đại học và các giáo viên thỉnh giảng, nhà giáo kiêm nhiệm hoặc những chuyên gia khách mời... Ảnh: Đoàn ĐBQH Bình Định
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đề nghị Bộ trưởng Y tế quy định giờ làm việc cho giáo viên là bác sĩ “cần nhưng không đủ”. Quy định này sẽ bị chồng chéo trong quản lý cán bộ, viên chức, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể hơn về lực lượng nhà giáo không phải giáo viên giáo dục phổ thông.
Theo ĐB Hiếu, rất cần phân biệt giáo dục phổ thông và mầm non với giáo dục đại học, sau đại học, dạy nghề bởi sự khác nhau về cả nội dung và hình thức. “Trước đây, năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ GD&ĐT trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề lại”, ĐB Hiếu dẫn chứng.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Nhà giáo mới chỉ chú trọng đến nhà giáo trong hệ thống giáo dục phổ thông, mầm non mà ít đề cập đến nhà giáo trong môi trường đại học, sau đại học và dạy nghề.
“Định nghĩa về nhà giáo trong giáo dục đại học và sau đại học, dạy nghề... là rất khó. Thực tế, hiện nay hầu như tất cả ngành nghề, những người thợ giỏi, những chuyên viên đều đã, đang và có thể trở thành nhà giáo, nhưng có lẽ ít ai ghi trong lý lịch công tác những thành quả mà mình đã đào tạo”, ĐB Hiếu nêu.
Từ thực tế đó, rất nên khuyến khích, động viên theo hướng này vì kiến thức là vô cùng rộng lớn và thay đổi rất nhanh theo thời gian; xã hội phát triển là xã hội cần học tập, đổi mới không ngừng. ĐB Hiếu đề nghị Luật Nhà giáo cần đưa ra định nghĩa nhà giáo đại học, sau đại học và các giáo viên thỉnh giảng, nhà giáo kiêm nhiệm hoặc những chuyên gia khách mời...
Đi đôi với trách nhiệm, cần có chính sách về quyền lợi, ưu đãi trong chi trả công giảng dạy cho các đối tượng này. Ví dụ, được tăng gấp đôi thu nhập trong thời gian giảng dạy so với thời gian làm việc thông thường của chuyên gia.
“Như trong ngành y, nếu một ca mổ thông thường được quy định thanh toán 1 triệu đồng, thì ca mổ thị phạm có giảng dạy cần chi trả gấp đôi”, ĐB Hiếu nêu ví dụ.
Giáo viên ở các trường y là một nhà giáo đặc biệt vì ngoài trách nhiệm với học viên còn chịu trách nhiệm lớn với tính mạng người bệnh. Vì thế, rất cần có điều luật về những nhà giáo này.
“Ai sẽ được giảng dạy, trách nhiệm và quyền lợi trong việc chuyển giao kỹ thuật? Cơ quan nào sẽ là chủ quản cho hoạt động giảng dạy trong ngành hết sức đặc thù này, cần được xác định tường minh”, ĐB Hiếu đặt vấn đề.
H.PHÚC - M.LÂM - Nguồn Báo Bình Định