Bình Định đã trải qua những năm tháng khó khăn, nhưng cũng chính trong những thử thách đó, sức mạnh và nghị lực của con người nơi đây được tôi rèn. Những ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo trên những vùng đất khó khăn – từ miền quê cho đến những vùng núi xa xôi hay ven biển – vẫn là dấu tích của một thời gian khó. Và chính từ những gian khó ấy, một quyết tâm mạnh mẽ đã được hình thành: không để ai phải sống trong cảnh dột nát, nhà tạm. Hôm nay, Bình Định đã hoàn thành 99,9% nhiệm vụ xóa nhà tạm, và với mục tiêu không gì lay chuyển được, toàn tỉnh quyết tâm hoàn thành 100% trước 31/5/2025.
- Ý Đảng quyết tâm vì một nhiệm vụ lớn lao, một trái tim chung
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương, thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025, tỉnh Bình Định đã khẩn trương vào cuộc. Một Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; 11/11 huyện, thị xã, thành phố, 155/155 xã, phường, thị trấn đều thành lập Ban Chỉ đạo cấp mình, đảm bảo bám sát từng hộ dân, từng ngôi nhà. Kế hoạch đặt ra đầy thử thách: hỗ trợ 4.614 hộ với tổng kinh phí hơn 223,4 tỷ đồng, trong đó xây mới 2.833 nhà và sửa chữa 1.781 nhà. Các đối tượng được hỗ trợ bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đặc biệt là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.
Với sự quyết tâm toàn diện với mức độ cao nhất của các cấp ủy Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị, tỉnh Bình Định thực hiện bằng được công cuộc xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho đồng bào trước trong 5/2025. Chủ trương và hành động nhân văn cao cả này giúp toàn thể đồng bào chào đón 50 năm thống nhất đất nước, chào đón kỷ nguyên mới của đất nước, của dân tộc. Phát biểu chỉ đạo tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng luôn khẳng định: "Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là công việc hỗ trợ dân sinh đơn thuần, mà còn là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với nhân dân, với lịch sử. Phải ưu tiên người có công, hộ chính sách; nhưng mục tiêu cuối cùng là không để bất kỳ đồng bào nào đủ điều kiện mà không được hỗ trợ."
Không chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước, Bình Định còn chủ trương huy động tối đa sức dân, sức doanh nghiệp. Các cán bộ công chức quyên góp ngày lương, các mạnh thường quân chung tay ủng hộ vật tư, xi măng, gạch đá. Những con số biết nói: hơn 22,4 tỷ đồng và 523,8 tấn xi măng đã được quyên góp.
Ở Hoài Nhơn, mảnh đất anh hùng từng hứng chịu bom đạn ác liệt nhất, hơn 890 hộ người có công với cách mạng đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. Hình ảnh bà Diệp Thị Bình - con liệt sĩ, già cả và thiểu năng trí tuệ - lần đầu tiên bước chân vào căn nhà mới khang trang, ánh mắt rưng rưng không giấu nổi niềm vui... đã trở thành biểu tượng xúc động về thành quả của chương trình.
Tại huyện An Lão, vùng cao heo hút, nơi những mái nhà tạm từng mong manh chênh vênh giữa rừng sâu, hơn 738 căn nhà mới đã mọc lên. Những hộ nghèo dân tộc thiểu số, từng ngày đối mặt với mưa lũ, gió lạnh, giờ đây đã có được những chốn đi về vững chắc.
Ở Tây Sơn, nơi khởi nghĩa áo vải dựng cờ, cũng không còn cảnh người già, trẻ nhỏ run rẩy co ro dưới mái tôn lụp xụp mỗi mùa bão về. 278 căn nhà mới đã hoàn thành, nhiều hộ đã kịp đón mùa mưa năm nay trong mái ấm mới. Từng phận người, từng mái nhà, từng tiếng cười đã trở lại, sống động và chân thành, trên khắp những miền quê Bình Định.
- Lòng dân đồng thuận, quyết tâm xóa hết nhà tạm, nhà dột nát vào cuối tháng 5
Chặng đường xóa nhà tạm không phải trải thảm hoa hồng. Ông Cao Thanh Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đơn vị thường trực Chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát tỉnh Bình Định cho hay: “Quá trình triển khai, nhiều địa phương phải điều chỉnh kế hoạch do biến động thực tế, có những hộ không còn đủ điều kiện hỗ trợ, có những hộ gia đình người có công đau bệnh nặng”.
“Bên cạnh đó, khó khăn về vật liệu, chi phí xây dựng leo thang, cán bộ địa phương, đặc biệt ở miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, phải vượt suối băng rừng vận động nhân dân, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ. Hơn 8.000 ngày công lao động đã được huy động từ quân đội, các đoàn thể chính trị - xã hội” – ông Thương nói.
Về Khu phố Lại Khánh, phường Hoài Đức, chứng kiến gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ có được nơi ở khang trang, ổn định niềm vui như lan tỏa cho sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cấp thị xã đến cơ sở cũng như người thân gia đình ông. Trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ được xác định là đối tượng đặc biệt khó khăn khi bản thân ông Tỵ là người bị tâm thần phân liệt, vợ bỏ đi, 2 người con đều chưa đủ tuổi thành niên, ngôi nhà cũ tạm bợ của ông được xây cất trên đất của người khác. Qua nhiều lần làm việc, đối thoại trực tiếp của lãnh đạo thị xã và phường Hoài Đức hiện nay ngôi nhà mới của 3 cha con ông Tỵ đã kịp hoàn thành từ nguồn xã hội hóa.
Mấy chục năm qua, hai vợ chồng cụ ông Võ Văn Cư ở xã Hoài Châu Bắc trong cảnh dột nát, thiếu thốn. Khi nhận được căn nhà mới xúc động chia sẻ: "Từ nay, 2 vợ chồng tôi có chỗ ở yên tâm không lo mưa, gió. Đến cuối đời còn được chăm lo cho như thế này, cũng mãn nguyện".
Trong số các hộ được hỗ trợ xây dựng sữa chữa đợt này có những hộ có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng đã thể hiện tình thương yêu, đùm bọc, lá lành đùm lá rách của đồng bào. Như trường hợp của bà Diệp Thị Bình ở thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc. Là con của liệt sĩ, mặc dù nhà ở của bà xuống cấp trầm trọng, bản thân bà Bình vừa già vừa hạn chế về nhận thức nên trước đó mặc dù có nhiều chương trình về hỗ trợ nhưng không thể xây dựng được nhà cho bà. Vì vậy, các cấp chính quyền từ thị xã đến xã đã phối hợp với gia đình đưa bà vào Trung tâm công tác xã hội và bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định mới tiến hành xây nhà mới cho bà. Ngoài 60 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình và huy động xã hội hóa thêm 50 triệu đồng từ nhiều nguồn. Nhà xây dựng xong, mới đưa bà Bình về lại.
Nhưng vượt lên tất cả là tinh thần "đã hứa thì phải làm được". Bình Định kiên định giữ vững mục tiêu đến 31/5/2025, hoàn thành 100% nhiệm vụ xóa nhà tạm. Tính đến nay, đã có 4.409 căn nhà đã khởi công xây dựng, sửa chữa (đạt 99,9% kế hoạch); 3.578 căn nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, chiếm 81,1%. Chỉ còn một chặng ngắn nữa, Bình Định sẽ về đích trong tiếng reo vui của hàng ngàn mái nhà mới.
Cuộc hành trình xóa nhà tạm ở Bình Định không chỉ là những con số. Đó là hàng ngàn phận đời đổi thay. Là những đứa trẻ có nơi học hành tử tế. Là những cụ già có thể yên giấc mỗi đêm mưa. Là những người mẹ liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh được trả nghĩa đền ơn một cách xứng đáng.
Từ Hoài Nhơn đến Phù Cát, từ Vân Canh đến Quy Nhơn... những mái nhà mới không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn là biểu tượng của sự hồi sinh, của khát vọng vươn lên, dựng xây quê hương.
Như một ngọn lửa thắp lên từ trái tim những người Bình Định kiên cường, phong trào xóa nhà tạm năm 2025 đã làm bừng sáng niềm tin: Khi lòng dân đồng thuận, ý Đảng quyết tâm, không gì là không thể. Bình Định đã làm được. Mùa Xuân 50 năm trước là thống nhất nước nhà, mùa Xuân của 50 năm sau là sự chăm lo của Đảng và sự đùm bọc của tinh thần đồng bào bất diệt, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và những thế hệ mai sau sẽ còn nhắc mãi về mùa xuân của những mái nhà hồi sinh, như một bản anh hùng ca bất tận về tình người, về sức sống Việt Nam bất diệt.
Kha Phạm – Đình Quân – Ánh Nguyệt