Hòa vào dòng chảy lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí ở Bình Định ngày càng phát triển, từng bước hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định và Tạp chí Văn nghệ Bình Định); 16 cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành và báo các địa phương thường trú tại tỉnh… Đội ngũ những người làm báo trong toàn tỉnh có sự phát triển nhanh về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng với hàng trăm nhà báo, người làm báo, trong đó có hơn 200 hội viên đang sinh hoạt tại 7 chi hội nhà báo.
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí có nhiều đổi mới về nội dung, cách thức tiếp cận, đa dạng về loại hình: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Mỗi loại hình báo chí phát huy ưu thế trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần quan trọng giới thiệu, quảng bá về quê hương, con người Bình Định năng động, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển... Nổi bật là các hoạt động tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền việc thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch Covid-19 vừa ổn định, phát triển kinh tế xã hội"; gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả... Bên cạnh đó, báo chí làm tốt vai trò phản biện, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận và ổn định trong xã hội. Báo chí của tỉnh cũng góp phần phát hiện, đề xuất để xây dựng và hoàn thiện nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, báo chí góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà: Kinh tế của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng khá; quy mô kinh tế không ngừng mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và đạt mức tăng trưởng cao; du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; các hoạt động giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân... có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo. Công tác xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả tích cực...
Ngoài hoạt động chuyên môn, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thể hiện trách nhiệm xã hội, sáng kiến tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tích cực kêu gọi ủng hộ, tham gia các phong trào "đền ơn đáp nghĩa" "vì người nghèo"... góp phần đảm bảo cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.
Có thể khẳng định báo chí ngày càng đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh. Song, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động báo chí gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự "bùng nổ" của internet và mạng xã hội, sự phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghệ số đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ người làm báo. Với áp lực về đổi mới nội dung, phương thức ngày càng cao hơn, thông tin phải nhanh, chính xác, hấp dẫn nhưng phải bảo đảm tính định hướng và hành lang pháp lý. Đồng thời, kinh tế báo chí cũng là mối quan tâm của nhiều cơ quan báo chí hiện nay.
Trong tình hình mới, báo chí cần làm tốt hơn nữa vai trò là "cầu nối", tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường các tuyến tin, bài cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt để lan tỏa các giá trị nhân văn trong đời sống xã hội; tích cực phản ánh đầy đủ, khách quan các vấn đề, sự việc mà dư luận quan tâm, các vấn đề phát sinh ở cơ sở để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xem xét giải quyết kịp thời, thỏa đáng; phản biện chính sách phát triển của tỉnh; phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trong tình hình mới; tích cực đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng…
Tự hào về chặng đường 96 năm báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta càng trân trọng những đóng góp to lớn của báo chí Bình Định trên chặng đường phát triển tỉnh nhà. Song, để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần gương mẫu thực hiện nghiêm Luật Báo chí; 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; tôn chỉ, mục đích. Báo chí Bình Định cùng đồng hành với sự nghiệp xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung./.
Tuấn Thiệu