CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Cần mở rộng các đối tượng được mua nhà ở xã hội
Thứ năm 22/05/2025 11:19

Sáng 21.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại tổ về một số nội dung quan trọng, bao gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.

Tài sản Công đoàn không được để thất thoát, lãng phí

Tham gia góp ý tại tổ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (thành viên Đoàn ĐBQH Bình Định) đã có những nhận xét cụ thể về cơ chế tài chính của Công đoàn quy định tại khoản a, điểm 8, Điều 13 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ông cho rằng cơ chế tài chính của Công đoàn tới đây cần được quy định rõ ràng, chặt chẽ, bài bản hơn và thực hiện đúng pháp luật.

ĐB Hồ Đức Phớc cho rằng phí Công đoàn phải được quản lý một cách chặt chẽ, minh bạch, công khai, có quy định rõ ràng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.

Theo ĐB Phớc, tổ chức Công đoàn hiện hoạt động từ nhiều nguồn tài chính, trong đó chủ yếu là khoản đóng 2% phí công đoàn từ các DN. Tuy đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách, nhưng thực chất được hình thành từ phần chi phí khấu trừ trong thu nhập DN.

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn do Nhà nước thành lập, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam là Ủy viên Trung ương Đảng, nhiều Chủ tịch LĐLĐ tỉnh là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đây là một tổ chức do Nhà nước thành lập, vì vậy cần xem xét việc quản lý tài sản của Công đoàn theo quy định của Luật Quản lý tài sản công. Ngoài ra, hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng tài sản Công đoàn là do Công đoàn tạo ra, không thuộc tài sản công và không bị thanh tra, kiểm tra.

ĐB Phớc cho rằng phí Công đoàn phải được quản lý một cách chặt chẽ, minh bạch, công khai, có quy định rõ ràng; tài sản Công đoàn không được để thất thoát, lãng phí.

ĐB Lê Kim Toàn cho rằng quá trình sửa đổi các luật cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tham gia thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lê Kim Toàn đề nghị làm rõ khái niệm “thành viên trực thuộc” Mặt trận (gồm các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ) khác gì với “thành viên khác” (là các hội nghề nghiệp, hội quần chúng khác, các cá nhân tiêu biểu).

“Phải làm rõ quan hệ giữa thành viên trực thuộc/ thành viên khác với Mặt trận, giữa các thành viên với nhau; cũng như mối quan hệ trong liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động, trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận và từng tổ chức thế nào để thuận lợi và đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện”, ĐB Toàn đề xuất.

Bên cạnh đó, ĐB Lê Kim Toàn cho rằng quá trình sửa đổi cần được thực hiện một cách cẩn trọng, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội cũng đang lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013.

“Theo chương trình, đến ngày 24.6 tới Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tất cả nội dung sửa đổi các luật có liên quan phải tương thích, không được mâu thuẫn; nếu nội dung sửa đổi trái với Hiến pháp được thông qua sau này thì sẽ dẫn đến vi hiến”, ĐB Toàn phân tích.

Phát triển nhà ở xã hội: Nên mở rộng đối tượng thụ hưởng

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, ĐB Hồ Đức Phớc cho biết Luật Nhà ở hiện hành quy định 12 nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất nhằm giảm giá thành, tạo điều kiện để người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế tiếp cận nhà ở.

ĐB Phớc cũng thông tin Chính phủ đang đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, không chỉ phục vụ nhà ở xã hội mà còn hỗ trợ thanh niên chưa có nhà trả góp dần trong tương lai. Đồng thời, ĐB kiến nghị cần nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ĐB Phớc nhấn mạnh cần quản lý chặt giá bán, xét duyệt đúng đối tượng, tránh tình trạng nâng giá hoặc chuyển nhượng để trục lợi.

“Không được làm nhà ở xã hội theo phong trào. Phải làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo cả chất lượng và mỹ quan”, ĐB Phớc lưu ý thêm.

Cùng góp ý, ĐB Lê Kim Toàn nhấn mạnh rằng nhà ở là nhu cầu rất thiết thân của mọi người dân, được Nhà nước và pháp luật bảo hộ. Việc phát triển nhà ở xã hội cần đi song song với nhà ở thương mại, đảm bảo mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tiếp cận được.

“Phải có các chính sách thông thoáng về đất đai, thủ tục đầu tư, hỗ trợ về chính sách đầu tư, kể cả chính sách dành cho người thuê, mua nhà ở xã hội”, ĐB Toàn phát biểu.

ĐB Toàn lưu ý rằng nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, do đó việc triển khai các chính sách cần đi kèm với cơ chế giám sát để thực hiện đúng mục đích, đúng yêu cầu, tránh biến tướng, trục lợi.

Liên quan đến đối tượng thụ hưởng, ĐB Toàn đề xuất ngoài các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, nếu địa phương có điều kiện đáp ứng thì nên mở rộng cho các đối tượng khác cũng có thể mua nhà ở xã hội. Việc này cần gắn liền với việc phát triển mạnh mẽ chương trình phát triển nhà ở và quỹ nhà ở quốc gia.

M.LÂM - N.HÂN - Nguồn Báo Bình Định