Sáng 13/1, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã ở các địa phương. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tới dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư.
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thưa các trí thức, nhà khoa học, các doanh nhân và toàn thể các đại biểu dự hội nghị tại Hội trường trung tâm và các điểm cầu.
Ngày 18/5/1963, tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử khoa học và công nghệ nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong bài phát biểu tại Đại hội, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến khoa học và kỹ thuật, coi đây là động lực để xây dựng và phát triển đất nước. Người căn dặn: “Khoa học phải gắn với sản xuất, phục vụ nhân dân”. Sự kiện này đặt nền móng cho những bước phát triển ứng dụng khoa học để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị.
Hơn sáu thập kỷ sau, hôm nay, Hội nghị toàn quốc lần thứ hai được tổ chức, với quy mô và tầm vóc mới, phản ánh quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đất nước trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Như chúng ta đã biết, khoa học và công nghệ là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước. Các bài học thành công từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản hay gần đây là Ấn Độ, Ireland, Hàn Quốc và Singapore đã chứng minh vai trò của khoa học kỹ thuật. Các quốc gia này tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta. Tuy nhiên, phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là “Phương tiện quan trọng” để đạt tới mục đích.
Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích.
Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật. Đột phá luôn mang tính mới mẻ, tính hiệu quả, vượt giới hạn, tạo ảnh hưởng lớn (Thí dụ: Trong công nghệ: sự ra đời của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và làm việc; trong kinh tế: mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số như Uber, Airbnb, thương mại điện tử... là sự bứt phá đối với ngành công nghiệp truyền thống; công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp; trong xã hội là những cải cách về chính sách giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật, quản lý đang mang lại những thay đổi to lớn về chất lượng sống của con người).
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc. Hội nghị hôm nay thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng của toàn Đảng và hệ thống chính trị. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta có niềm tin mạnh mẽ rằng đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Quang cảnh Hội nghị.
Thưa các đồng chí và các đại biểu,
Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ như báo cáo đã nêu từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện (các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục; các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của ta chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm đề tài là hình thức “làm kinh tế biến tướng”...).
Làm sao để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời; các cấp, các ngành, các địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ. Những chủ trương, giải pháp trong đó phải được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Với ý nghĩa đó, tôi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và làm sâu sắc thêm một số quan điểm, định hướng sau:
Trước hết là về quan điểm: Luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội để các trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm”. Nhưng hiện nay nên tập trung trên các lĩnh vực: vật lý và năng lượng (cơ học lượng tử để có những sản phẩm ứng dụng như vi xử lý, laser, nano...); công nghệ thông tin và truyền thông; y học và sinh học (DNA, gen, vaccine, 3D...); công nghệ không gian; công nghệ vật liệu, năng lượng và môi trường (năng lượng tái tạo, pin Lithium-Ion, thu giữ và lưu trữ carbon..); phát minh trong đời sống (3D, robot và tự động hóa, công nghệ thực tế ảo - VR và thực tế tăng cường - AR); công nghệ Blockchain, Innetnet vạn vật (IoT); thông tin địa lý; phân tích văn hóa số; giáo dục và đào tạo trực tuyến...
Cần chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 để “đi tắt, đón đầu” làm chủ tương lai. Triển khai Nghị quyết phải hướng vào những vấn đề thực tiễn đất nước đang đòi hỏi, thị trường và nền kinh tế đang cần. Những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, đăng ký được bản quyền.
Về hành động, cần xác định làm rõ Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì? Trí thức, nhà khoa học làm gì? Toàn dân làm gì? Thụ hưởng như thế nào? Nhà nước cần tập trung 4 việc: (1) Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển, (2) Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá, (3) Tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá, (4) Bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Trên tinh thần đó, tôi đề nghị và nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá:
Thứ nhất là thống nhất nhận thức và hành động: Xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động, với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý.
Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển. Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể, bám sát mục tiêu Nghị quyết 57, với nhiệm vụ rõ ràng, phân công cụ thể, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.
Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý.
Thứ hai là phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách: Trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm (những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, 1 nội dung chỉ quy định ở 1 luật. Cần có tư duy mới, cách tiếp cận trong sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Viên chức, đồng bộ hóa các quy định pháp luật có liên quan). Chúng ta khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm.
Bộ Chính trị đã định hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, và tinh thần này sẽ được thể chế hóa trong Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến được Quốc hội thông qua sớm. Ban cán sự đảng Chính phủ cần phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ xây dựng 27 luật và 19 nghị định trong năm 2025, đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và ban hành sớm văn bản hướng dẫn để các quy định mới sớm đi vào thực tiễn. Hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả, có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, nhất là với đội ngũ cán bộ thực thi. Loại bỏ ngay tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa.