Ðó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão vào ngày 15.10, về tình hình thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIX Ðảng bộ huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay và công tác triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14.6.2024 của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện.
Nỗ lực trong công tác giảm nghèo
Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Xuân Vĩnh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tổ chức thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX đề ra. Điều đáng ghi nhận là huyện đã phát huy tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển KT-XH trên địa bàn.
“Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư trên địa bàn là hơn 687 tỷ đồng. Đến nay, tổng kinh phí đã giải ngân gần 420 tỷ đồng, đạt 61,1% kế hoạch vốn giao. Hiện, trên địa bàn huyện có 2 xã An Hòa và An Tân đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2024, huyện tập trung nguồn lực đầu tư để xã An Quang về đích nông thôn mới; đến năm 2025 tiếp tục có thêm các xã: An Hưng, An Trung, An Dũng về đích”, ông Vĩnh cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ 3 từ trái sang) đến thăm, tặng quà gia đình ông Đinh Văn Túc (hộ nghèo, ở khu phố 2, thị trấn An Lão, huyện An Lão).
Điểm sáng là huyện An Lão đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,82%/năm (với 1.736 hộ thoát nghèo) vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (6%/năm). Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn huyện sẽ giảm thêm 1.264 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 8,4%. Huyện cũng đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ xây dựng 662 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Dự kiến đến năm 2025 huyện hoàn thành xây dựng 1.047 căn nhà, cơ bản xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn.
Phân tích kỹ hơn vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết: Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện sẽ giảm 7,32%/năm, đạt 105% kế hoạch (chỉ tiêu giao để huyện thoát nghèo là 7%/năm), có 3.287 hộ nghèo thoát nghèo, tỷ lệ người lao động qua đào tạo là 36,7% (đạt kế hoạch đề ra). Đặc biệt, giai đoạn 2022 - 2025, hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm 5,09%/năm.
Đồng thời, tổng nguồn vốn hỗ trợ cho huyện An Lão thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là gần 419 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2021 - 2024 là hơn 332 tỷ đồng, kết quả giải ngân được hơn 251 tỷ đồng, đạt 75,68%. “Các công trình hỗ trợ đầu tư kết nối liên vùng (cầu Sông Đinh, cầu Bến Nhơn) đã được khẩn trương thực hiện, đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo sự giao thương giữa thị trấn An Lão với các xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn như: An Hưng, An Quang, An Nghĩa, An Toàn”, bà Hạnh thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đánh giá: Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện An Lão được thực hiện rất tốt nhờ xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến nghèo và đề ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng. Với đà này, đến năm 2025, An Lão chắc chắn sẽ thoát khỏi huyện nghèo.
Phải hoàn thành mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá: An Lão là huyện nghèo, khó khăn nhất tỉnh. Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, KT-XH của địa phương có sự phát triển đáng kể, đây là điều rất đáng mừng. “Có được kết quả đó là nhờ sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân. Đặc biệt là huyện làm rất tốt công tác giảm nghèo. Từ số hộ nghèo chiếm 36%, sau 4 năm, từ nhiều nguồn, nhiều chương trình, địa phương đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối năm 2024 còn 8,4%. Đây là thành quả có ý nghĩa to lớn, góp phần nâng cao đời sống của người dân”, đồng chí Hồ Quốc Dũng ghi nhận.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh trong thời gian tới, Huyện ủy An Lão cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển KT-XH của năm 2024 cũng như các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Trong đó, trọng tâm là hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa An Lão thoát khỏi huyện nghèo của tỉnh.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu Huyện ủy An Lão phân tích, đánh giá các tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển của địa phương để tập trung xây dựng Đề án tổng thể phát triển huyện An Lão trong giai đoạn 5 năm tới sát thực tế. “Lĩnh vực nông nghiệp, cần có giải pháp thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào, tổ chức lại mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trong đó phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm dẫn dắt của chính quyền để hỗ trợ những vấn đề người dân và DN cần. Trong lĩnh vực du lịch, cần xác định, xây dựng các điểm đến thực tế, sản phẩm du lịch có giá trị để thu hút du khách, tránh dàn trải. Trong thu hút đầu tư, cần thu hút các nhà đầu tư có tâm huyết, có quyết tâm để triển khai các dự án khả thi trên địa bàn…!”, đồng chí Hồ Quốc Dũng lưu ý.
Về triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu Huyện ủy An Lão xác định đây là nhiệm vụ then chốt, quan trọng hàng đầu, do đó phải xác định rõ tâm thế, trách nhiệm cao, vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc. Văn kiện đại hội phải tập trung được trí tuệ, tư duy của cả tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thể hiện được khát vọng vươn lên của địa phương. Đồng thời công tác nhân sự phải được chuẩn bị chu đáo, công tâm, khách quan, nhằm lựa chọn được những người có đủ đức, đủ tài vào nhiệm kỳ khóa mới.
Chủ động ứng phó nguy cơ sạt lở đất
Huyện An Lão đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát, đánh giá và xác định có 7 vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên địa bàn. Trong 2 năm qua, huyện đã giải quyết được 3 vị trí, còn lại 4 vị trí gồm: Khu vực núi Đá (thôn Trà Cong) và Đá Cửa (thôn Vạn Long, xã An Hòa), thôn 5 (xã An Nghĩa) và thôn 5 (xã An Vinh).
UBND huyện đề nghị tỉnh cho chủ trương để huyện xây dựng Đề án sắp xếp dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị sạt lở để đảm bảo ổn định cuộc sống, tính mạng và tài sản nhân dân. Đề án bao gồm 16 thôn ở các xã An Vinh, An Nghĩa và An Quang. Đây là các khu vực trước đây có đồi núi là rừng tự nhiên nhưng hiện nay được quy hoạch rừng sản xuất, hiện đang trồng keo, có độ dốc lớn, khu dân cư nằm ngay chân núi.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu trước mắt huyện An Lão phải chủ động phòng tránh nguy cơ sạt lở; nhất là bố trí phương tiện, vật tư, nhân lực để ứng phó trong các tình huống khẩn cấp; khoanh vùng các điểm nguy cơ cao, điểm sạt lở, thực hiện các phương án di dời dân phù hợp. Đối với Đề án trên, đồng chí Hồ Quốc Dũng đề nghị huyện rà soát kỹ, làm thận trọng, từng bước, khu vực nào khả thi thì làm, tránh lãng phí khi đầu tư làm hạ tầng xong nhưng người dân theo tập tục không chịu di dời về nơi ở mới.
NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định