Hiệp định Paris năm 1973 là sự kiện mở ra thời cơ chiến lược để thúc đẩy công cuộc thống nhất đất nước thành công. Hiệp định không chỉ thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá của một dân tộc, sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng ta, mà còn cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh cho độc lập dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, tinh thần linh hoạt, sáng tạo nhưng kiên định, can trường trước mọi khó khăn, thử thách vì độc lập dân tộc trong quá trình đi tới ký kết Hiệp định Paris cần tiếp tục được phát huy, làm giàu thêm phẩm chất của nền ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” ngày nay.
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết ngày 27-1-1973 tại Paris (Pháp) mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; tạo thời cơ mới cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tính chất mở đường của Hiệp định Paris được thể hiện rõ nét, sinh động kể từ thời điểm có hiệu lực thi hành cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975.
Tính chất bước ngoặt, mở đường của Hiệp định Paris
Nói đến tính chất mở đường của một văn kiện, một sự kiện là nói đến tính chất bước ngoặt mới, tạo ra những điều kiện thuận lợi để vạch kế hoạch tiến lên một giai đoạn mới, hoàn thành triệt để mục tiêu chiến lược. Hiệp định Paris về Việt Nam đã đưa cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam sang một cột mốc mới, thực hiện thành công việc “đánh cho Mỹ cút”. Đây là thắng lợi chiến lược tạo nên “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tiếp sức mạnh mẽ cho nhân dân Việt Nam tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến. Kéo dài từ ngày 13-5-1968 đến ngày 27-1-1973, với hơn 200 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, có thể thấy, Hiệp định Paris là sản phẩm của quá trình kiên định, bền bỉ đấu tranh, vừa thể hiện quyết tâm sắt đá, vừa tỏ rõ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam nhằm mở đường, tạo ra bước ngoặt mới có lợi để đi đến kết thúc cuộc chiến.
Thứ nhất, Hiệp định Paris mở đường để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược thần tốc thống nhất đất nước trong thời gian sớm nhất, đồng thời nhanh chóng chỉnh đốn những biểu hiện hữu khuynh sau Hiệp định Paris trong một bộ phận quân dân. Hiệp định Paris được ký kết đã làm cho hình thái chiến trường thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng. Với Hiệp định Paris, Mỹ phải rút, các lực lượng vũ trang của hai bên ở nguyên tại chỗ. Nhờ đó, ta đánh bại âm mưu “phân tuyến” của đối phương, bộ đội ta không phải “tập kết” ra một nơi (như thời kỳ Hiệp định Geneva năm 1954), mà ngược lại, ta duy trì trên chiến trường thế xen kẽ “da beo”, một thực trạng rất có lợi cho ta, bất lợi cho địch(1).
Đảng ta nhận định, sau Hiệp định Paris, chúng ta đã có những nhân tố thắng lợi và khả năng mới do Hiệp định Paris đưa lại, đó là chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng, vùng giải phóng, lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong vùng địch kiểm soát và những quyền cơ bản được Hiệp định thừa nhận. Do đó, phải tận dụng những nhân tố và khả năng ấy để “tiến lên hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”(2).
Trong Kết luận đợt 1, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 10-10-1974, Đảng ta nhận định, lúc này, chúng ta đang có thời cơ và nhấn mạnh “ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mười, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được hồi phục… thì hình hình sẽ phức tạp vô cùng”(3); từ đó, Hội nghị xác định: “Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975 - 1976”(4).
Tuy nhiên, trước, trong và sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn tiến hành hàng loạt kế hoạch ngoan cố, dã tâm lấn chiếm, bình định, giành đất, giành dân. Việc bình định lấn chiếm trên thực địa của địch ngày càng trắng trợn, nhưng ở một số nơi, ta lại phản ứng chậm, nên đã để địch chiếm đất, giành dân. Khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vẫn trắng trợn tuyên bố: Không thi hành Hiệp định Paris, không hòa hợp, chống hòa hợp với cộng sản; ra lệnh cho quân đội tiếp tục đánh tới, lấn đất, giành dân, cắm cờ, tràn ngập lãnh thổ.
Trong khi đó, về phía ta, một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vừa trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nay có Hiệp định Paris đã nảy sinh tư tưởng hữu khuynh, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Hơn nữa, trong chỉ đạo, lúc đầu, ta đã đánh giá không hết khả năng thực hiện âm mưu của địch, không dự kiến hết đế quốc Mỹ tuy thua nhưng vẫn rất ngoan cố, tìm mọi cách o bế quân đội Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chiến tranh. Những tháng đầu năm 1973, trên một số chiến trường, địch đã giành được chủ động, thực hiện được phần nào chủ trương bình định của chúng, giành thêm một số dân, lấn thêm một số địa phương, bắt đầu lấn sâu vào các vùng giải phóng toàn B2.
Trước tình hình đó, Khu ủy Khu 9 đã tiên phong mở đường chống phá bình định thành công(5). Bí thư Khu ủy 9 là đồng chí Võ Văn Kiệt, Tư lệnh là đồng chí Lê Đức Anh đã chủ động chỉ đạo, chỉ huy quân dân Khu 9 đánh trả quyết liệt các cuộc hành quân lấn chiếm của ngụy, bức rút nhiều đồn bốt địch, tiếp tục mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ dân và vùng lúa gạo có ý nghĩa chiến lược. Nhờ đó, Khu 9 đã giành nhiều thắng lợi nổi bật trong đấu tranh chống địch bình định lấn chiếm, trở thành lá cờ đầu nêu gương cho các đơn vị khác học tập.
Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Khóa III (tháng 7-1973) kịp thời nhận diện bản chất tình hình, đề ra phương hướng hoạt động, với tinh thần chủ đạo là tiếp tục tiến công, giữ vững quan điểm cách mạng bạo lực. Ngày 15-10-1973, Bộ Tư lệnh Miền(6) ra mệnh lệnh: Kiên quyết đánh trả những hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn; kiên quyết đánh trả bất cứ ở đâu, bằng các hình thức và lực lượng thích đáng. Mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền chỉ rõ quyền được đánh trả của lực lượng vũ trang cách mạng, tạo điều kiện cho ta đẩy mạnh các hoạt động quân sự giành lại thế chủ động trên toàn chiến trường(7).
Với đề xuất để chiến trường B2(8) đi trước một bước, được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tham mưu chấp thuận, trong mùa khô 1974 - 1975, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo, chỉ huy chiến trường B2 thực hiện nhiều chiến dịch tiến công của chủ lực và chiến dịch tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long, giành thắng lợi lớn trên đường 14 - Phước Long và ở Quân khu 9, cùng lúc đạt được nhiều ý nghĩa: Thử nghiệm phản ứng của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhất là của Mỹ; đo lường khả năng của chủ lực ta so với chủ lực quân đội Việt Nam Cộng hòa; đo lường khả năng của lực lượng vũ trang cách mạng có thể giải phóng được những vùng liên hoàn rộng lớn hay không. Thực tiễn chứng minh những mục đích ấy đều đạt được sau thắng lợi của các chiến dịch trong mùa khô 1974 - 1975, tiêu biểu là chiến thắng Đường 14 - Phước Long. Ngay sau chiến thắng Phước Long, Đảng đã kịp thời bổ sung kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Đảng thống nhất sẽ tiến công giải phóng Sài Gòn vào tháng 4 vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ, nên việc cơ động của ta, nhất là tăng, pháo và cơ giới sẽ khó khăn, nhất là hướng tây và tây nam Sài Gòn với vùng Long An mênh mông đồng nước, kênh rạch và sình lầy. Cùng với việc soạn thảo kế hoạch là xây dựng “Quyết tâm chiến đấu” với sơ đồ phác ra 5 hướng tiến công vào sào huyệt quân thù.
Với tinh thần chủ động nắm lấy thời cơ, trong những ngày đầu tháng 4-1975, Bộ Tư lệnh Miền đã nhanh chóng vạch ra phương án chiến dịch giải phóng Sài Gòn trình lên Trung ương Cục miền Nam và được phê duyệt về cơ bản. Chính điều đó giúp Trung ương Đảng liên tục bổ sung quyết tâm chiến lược, bắt kịp sự thay đổi cực nhanh của chiến trường, tạo yếu tố bất ngờ, thay đổi quyết sách từ kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam trong vòng 2 đến 3 năm lúc đầu chuyển sang kế hoạch thời cơ rút xuống 1 năm, rồi đến cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong tháng 4 của năm 1975.
Như vậy, ở mỗi giai đoạn phát triển, nghệ thuật lãnh đạo của Đảng bao giờ cũng căn cứ vào tư duy biện chứng và thực tiễn khách quan của lịch sử. Đó là, một mặt, lợi dụng những thời kỳ phát triển tuần tự của cách mạng để động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh theo tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do; mặt khác, phải biết hướng toàn bộ công tác của mình vào việc tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi toàn diện, hoàn toàn. Đây thực sự là sáng tạo to lớn, làm giàu, phong phú và sinh động thêm kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, trên chiến trường, Hiệp định Paris đã mở đường, tạo nên bước chuyển chiến lược, tạo ra thế mạnh mới: (i) Ta đã giành được quyền chủ động trên khắp các chiến trường, trừng trị các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giành lại dân và những vùng bị mất, mở rộng vùng giải phóng của ta; (ii) Đã củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, từ rừng núi Trị - Thiên đến Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; (iii) Đã xây dựng và tăng cường các binh đoàn chủ lực cơ động ở vùng rừng núi; tập trung được nguồn dự trữ chiến lược trên những địa bàn quan trọng; (iv) Đã cải thiện được tình hình nông thôn - đồng bằng, tạo các bàn đạp ở vùng phụ cận thành thị lớn; (v) Đã phát động được phong trào đấu tranh chính trị dưới khẩu hiệu hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc; (vi) Ta tiếp tục tranh thủ thêm được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới(9). Có thể nói, Hiệp định Paris đi đúng kịch bản như Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, khi hàng chục vạn quân viễn chinh Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam: Mỹ giàu nhưng sức Mỹ không phải là vô hạn, Mỹ hung hăng nhưng có chỗ yếu, ta biết đánh, biết thắng thì nhất định kháng chiến sẽ thành công(10). Hiệp định Paris thể hiện đúng nghệ thuật “biết thắng từng bước” để đi đến chiến thắng hoàn toàn của Đảng ta trong bối cảnh chênh lệch tương quan lực lượng.
Bước vào mùa khô 1973 - 1974, các chiến trường đã phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, chuyển lên thế chủ động tấn công địch; sức mạnh tổng hợp của ba mũi, ba thứ quân, ba vùng, giữa điểm với diện, cao điểm với thường xuyên được phát huy, tạo thế căng kìm địch trên diện rộng, làm thất bại kế hoạch bình định của địch, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng. Như vậy, Hiệp định Paris năm 1973 đã mở ra cục diện chiến trường mới vô cùng có lợi cho ta, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta khi ta vẫn duy trì được toàn bộ lực lượng ở chiến trường miền Nam. Đây là cơ sở để toàn quân, toàn dân ta tiến lên “đánh cho nguỵ nhào”.
Thứ ba, đối với nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, Hiệp định Paris mở đường cho việc giải quyết các xung đột quốc tế bằng con đường hòa bình, tác động sâu xa đến bước đường tiến lên của nhiều dân tộc, là niềm cổ vũ lớn lao của nhiều dân tộc có chung số phận và điểm xuất phát như nước ta trong việc bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản. Có thể thấy, từ Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, Tạm ước ngày 14-9-1946, Hiệp định Geneva ngày 21-7-1954 và đỉnh cao là Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 đã minh chứng sinh động cho chân lý: Muốn có hòa bình, dân tộc Việt Nam không chỉ biết nhân nhượng mà còn phải biết đấu tranh, không chỉ biết đấu tranh mà dân tộc Việt Nam còn không khi nào bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm hòa bình dù là cơ hội mỏng manh nhất. Đó là biện chứng của chiến tranh cách mạng Việt Nam, của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara - một trong những người góp phần hoạch định chính sách Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam - rút ra 11 bài học từ “Tấn thảm kịch Việt Nam”, trong đó có bài học: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó...”; “phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa và chính trị của nhân dân trong vùng, và về nhân cách, thói quen của các nhà lãnh đạo”(11). “Lý tưởng và các giá trị của nó” mà ông Robert S. McNamara nhắc đến, chính là các quyền dân tộc cơ bản - độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng kiên định. Hiệp định Paris năm 1973 là sản phẩm của quá trình đấu tranh của cả một dân tộc luôn hướng đến các quyền dân tộc cơ bản như Điều 1 của Hiệp định này đã trân trọng thừa nhận: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Đồng chí Phạm Văn Đồng từng nói: “Quyết không thể có thỏa hiệp trái với những quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam ta, trái với đạo lý thông thường của mọi dân tộc trên thế giới”(12).
Một số bài học đối với hoạt động ngoại giao hiện nay
Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; đánh dấu bước trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Đây là sản phẩm của quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp “vừa đánh vừa đàm”. Đó còn là thành quả của tư duy mang đầy đủ tính cách mạng và khoa học; vừa đánh vừa hiểu địch, hiểu ta; vừa làm vừa tổng kết thực tiễn, từng bước bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh qua các giai đoạn kháng chiến. Hiệp định Paris thể hiện sâu sắc tinh thần dám đánh, dám thắng và năng lực biết đánh, biết thắng của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, ý nghĩa và tầm vóc của Hiệp định Paris để lại nhiều bài học quý giá đối với hoạt động ngoại giao của Việt Nam.
Một là, luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trong đó độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là cốt lõi.
Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là hệ giá trị thiêng liêng mà bất kỳ dân tộc nào, dù là dân tộc nhỏ bé, xuất phát điểm thấp đều có quyền được hưởng vì nó là những quyền cơ bản nhất, đồng thời cũng là cơ sở tối thiểu để bảo đảm cho một dân tộc tồn tại và phát triển bình thường. Sự kiên định, nhất quán của Đảng ta, nhân dân ta trong việc theo đuổi hệ giá trị ấy từ năm 1945 đến nay, nhất là trong Hiệp định Paris, mãi mãi là bài học quý giá, tấm gương sáng cho các dân tộc yêu chuộng hòa bình khắp năm châu. Hiệp định Paris năm 1973 là chiến thắng bước ngoặt, có tính mở đường, điều kiện cần để buộc Mỹ và đồng minh rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho quân dân Việt Nam tiến hành kết thúc chiến tranh.
Trong bối cảnh mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII khẳng định, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến.
Hai là, mềm mại, khéo léo nhưng rất kiên định, quyết liệt.
Cách ứng xử mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên định, quyết liệt của Đảng Lao động Việt Nam trong Hội nghị Paris 1973 là bài học quý giá về nghệ thuật ngoại giao của cách mạng Việt Nam. Ngay nay, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có không ít những khó khăn, nguy cơ, diễn biến khó lường, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam tiếp tục phải kiên định, giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong từng tình huống, hoàn cảnh.
Hình ảnh “cây tre Việt Nam” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”(13) như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là phương sách chủ yếu của đối ngoại Việt Nam hiện đại. Nhờ nghệ thuật kết hợp tài tình giữa linh hoạt, sáng tạo về sách lược với kiên định, kiên quyết, kiên trì về chiến lược mà từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã “mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện”(14), giúp tạo nên cục diện thuận lợi cho quá trình hiện thực hóa lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ba là, chủ động, tích cực phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Phát huy sức mạnh tổng hợp luôn được Đảng xác định là một trong những yếu tố quan trọng đưa tới sự thành công của cách mạng. Đó là sức mạnh tổng hợp của nội lực và ngoại lực; sức mạnh của các lực lượng; sự phối kết hợp của các địa bàn, sức mạnh của kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sự cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, vừa đánh vừa đàm; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, ý chí không có gì quý hơn độc lập, tự do… Do đó, góp phần quan trọng đưa tới thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hơn 50 năm trôi qua kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết, thế giới có nhiều đổi thay nhưng ý nghĩa mở đường và tầm vóc thời đại đặc biệt của Hiệp định vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sâu sắc nền ngoại giao độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhìn lại Hiệp định Paris, chúng ta càng thấy được giá trị của việc đánh giá, dự báo đúng đắn về cục diện và xu thế, tình hình thế giới, kiên định và ra sức hiện thực hóa mục tiêu phát triển của dân tộc, góp phần quan trọng cùng nhân loại tiến bộ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ cho bình đẳng dân tộc, dân chủ xã hội và phát triển con người./.
Nguồn Tạp chí Cộng sản
--------------------------------
(1) Theo Hiệp định Paris, hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh sẽ rút khỏi Việt Nam. Trong khi đó, 13 sư đoàn chủ lực cách mạng vẫn đứng vững ở các địa bàn chiến lược của miền Nam cùng hàng vạn bộ đội địa phương và dân quân du kích. Dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Quân khu 7: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 485
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 35, tr. 186
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 177
(4)Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 183
(5) Khu 9 có mật danh là T3, bấy giờ gồm các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Giá, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau. Ngay từ đầu, Khu ủy Khu 9 đã có nhận thức đúng đắn, quyết giương cao ngọn cờ cách mạng tiến công bất chấp Trung ương chưa có lệnh. Dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Quân khu 7: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền, Sđd, tr. 508 - 509
(6) Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Bộ Chỉ huy Miền, từ ngày 18-3-1971 gọi là Bộ Tư lệnh Miền), Bộ Chỉ huy Miền chấp hành sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, tham mưu cho Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang
(7) Bộ Quốc phòng, Quân khu 7: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền, Sđd, tr. 530
(8) B2 gồm có 5 quân khu: Quân khu 6 (cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên gồm các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Quảng Đức và dải đồng bằng nhỏ hẹp thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy); Quân khu 7 (miền Đông Nam Bộ: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy); Quân khu 8 (miền Trung Nam Bộ: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và Bến Tre); Quân khu 9 (miền Tây Nam Bộ: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng (thêm một phần tỉnh Bạc Liêu), Rạch Giá, Cà Mau (gồm một phần tỉnh Bạc Liêu và Hà Tiên); Quân khu Sài Gòn - Gia Định
(9) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 187
(10) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (Trực thuộc Bộ Chính trị): Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 173
(11) Robert S. McNamara: Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 316
(12) Trần Nhâm: Cuộc đấu trí ở tầm cao của trí tuệ Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr. 270
(13) Nguyễn Phú Trọng: “Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ke-thua-phat-huy-truyen-thong-dan-toc-tu-tuong-ngoai-giao-ho-chi-minh-quyet-tam-xay-dung-va-phat-trien-nen-doi-ngoai-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-man, truy cập ngày 14-12-2023
(14) Nguyễn Phú Trọng: “Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, tlđd