Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 131-QÐ/TW ngày 27.10.2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Xác định cụ thể 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực
Quy định 131 có 4 chương, 11 điều. Tại Điều 4 chỉ rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Trong đó, đáng chú ý là hành vi hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.
Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: N. HÂN
Cùng với đó là các hành vi: Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán. Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra.
Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra. Bao che, tiếp tay, trì hoãn hoặc không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm... Cán bộ sai phạm sẽ không được quy hoạch, điều động
Liên quan đến việc xử lý vi phạm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, Quy định 131 nhấn mạnh phải kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải tự kiểm điểm, có biện pháp khắc phục vi phạm, khuyết điểm và cam kết không tái phạm. Trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) vi phạm thì bị xử lý theo quy định hiện hành.
Riêng với những cán bộ đang công tác còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như: Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu bầu cử, ứng cử chức vụ tương đương và cao hơn, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng theo quy định.
Đối với vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính hoặc nội bộ.
Kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 131, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã bày tỏ đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm của Đảng ta trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuy Phước Nguyễn Long Hưng nhận định: Quy định 131 sẽ là một “thanh bảo kiếm” của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan hành pháp để từ đó soi rọi vào quá trình kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc thực hiện Quy định sẽ tăng cường vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Quy định được ban hành rất kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, nhất là những cán bộ được giao nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Hưng phân tích.
Còn theo Bí thư Huyện ủy Phù Cát Đỗ Văn Ngộ, Quy định 131 được xây dựng khoa học, bài bản, sát với yêu cầu thực tiễn; là bước đi mới nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Đây chính là “bức tường lửa” để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định