Ðó là mục tiêu chính đặt ra từ Chương trình hành động 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành.
Là trung tâm đổi mới sáng tạo quan trọng của đất nước
Chương trình hành động số 23-CTr/TU đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Tỉnh Bình Định khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng của tiểu vùng Trung Trung Bộ; gắn kết và tác động lan tỏa đối với các tỉnh Bắc Tây Nguyên.
Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cảng và logistics, phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực trên nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại…
Hoạt động trải nghiệm khoa học tại Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo Quy Nhơn. Ảnh: M.L
Tầm nhìn đến năm 2045, Bình Định cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Là trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của đất nước.
Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. DN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước...
Đổi mới tư duy, nhận thức; hành động quyết liệt
Để thực hiện thành công mục tiêu, tầm nhìn đó, Chương trình hành động số 23-Ctr/TU đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Đầu tiên là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, DN và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và quyết tâm hành động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xác định nội dung cốt lõi công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong và ngoài tỉnh; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp. Cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thứ hai là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục tham gia góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, công nghiệp, thương mại, đô thị, kiến trúc, xây dựng, KH&CN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, thuế... đảm bảo minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo. Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương phù hợp với đặc thù phát triển KT-XH trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Thứ ba là xây dựng nền công nghiệp vững mạnh; nâng cao năng lực ngành xây dựng. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2030; các đề án, chương trình phát triển công nghiệp, thương mại đến năm 2030 và những năm tiếp theo…
Thứ tư là đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KH&CN, đổi mới sáng tạo. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 21.2.2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; hình thành các cụm liên kết nông - công nghiệp ở nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn…
Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp về: Phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Vận dụng chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững...
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030:
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên. Kinh tế số trong GRDP đến năm 2030 đạt 30%.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp- xây dựng chiếm 41,3 - 43,3%; dịch vụ chiếm
34,8 - 35,9%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,8 - 17,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,1 - 5,3%.
- GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người.
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức trên 45%.
- Thu ngân sách đến năm 2025 đạt 18,5 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 30 - 35
nghìn tỷ đồng.
Nguồn Báo Bình Định