Tôn vinh những người chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận chính trị – binh vận tỉnh Bình Định thời kháng chiến chống Mỹ
Sáng 22/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Định tổ chức buổi gặp mặt thân mật các đồng chí nguyên là cán bộ, nhân viên Ban Đấu tranh chính trị và Binh vận tỉnh Bình Định – những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận không tiếng súng, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Buổi gặp mặt không chỉ là dịp tri ân những đóng góp lớn lao của một lực lượng đặc biệt trong kháng chiến, mà còn là hành trình trở về với ký ức thiêng liêng, hun đúc thêm niềm tự hào, truyền cảm hứng và trách nhiệm cho thế hệ hôm nay và mai sau trên con đường phát triển quê hương, đất nước.
Quang cảnh Buổi gặp mặt
Bình Định – Thành đồng vững chãi trên mặt trận chính trị và binh vận
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, khi đế quốc Mỹ thế chân thực dân Pháp và tiến hành các chiến lược thâm độc nhằm chia cắt đất nước lâu dài, tỉnh Bình Định, mảnh đất có vị trí chiến lược đặc biệt ở khu vực miền Trung – trở thành một trong những địa bàn trọng điểm bị địch kiểm soát gắt gao. Chính quyền tay sai lập ra hàng loạt “ấp chiến lược”, mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, dồn dân, lập ấp nhằm xóa sổ cơ sở cách mạng và kiểm soát tư tưởng quần chúng.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta xác định: đấu tranh chính trị và binh vận là hai trong ba mũi giáp công chủ lực, đóng vai trò quyết định trong việc phá vỡ thế kìm kẹp của địch, làm tan rã hàng ngũ ngụy quyền, lay chuyển tinh thần binh lính địch, khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân trong kháng chiến.
Từ năm 1964 đến 1974, phong trào đấu tranh chính trị và binh vận ở Bình Định đã phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng và đô thị. Những cuộc biểu tình rầm rộ, những đợt vận động binh lính địch rã ngũ, những lần tuyên truyền thuyết phục ngay trong lòng địch… đã làm nên một thế trận lòng dân vững chắc. Trong giai đoạn cao điểm 1965 – 1968, Bình Định thực sự trở thành “chảo lửa cách mạng”, với hàng chục vạn lượt người tham gia đấu tranh, hàng nghìn binh lính địch bị vận động buông súng, quay về với chính nghĩa dân tộc.
Năm 1974 – năm tiền đề cho đại thắng mùa Xuân 1975, phong trào chính trị và binh vận tại Bình Định đạt đến đỉnh cao. Hơn 400.000 lượt người tham gia đấu tranh chính trị, hơn 50.000 người hoạt động binh vận, góp phần làm tan rã hàng trăm đơn vị địch, tạo thế và lực quyết định cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân lịch sử. Những chiến công thầm lặng ấy là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi gặp mặt
Những người không mang quân hàm – Những tượng đài bất tử
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định xúc động nhấn mạnh: “Họ là những người lính không mang quân hàm, nhưng dũng cảm, kiên trung không kém bất kỳ người lính chiến đấu nào. Họ không chỉ dùng lời nói, tờ rơi, ánh mắt và niềm tin để lay động lòng người – mà còn dùng cả máu và nước mắt để viết nên trang sử vàng chói lọi.”
Trong ngục tù, tra tấn dã man không khuất phục được ý chí cách mạng; ngoài mặt trận, giữa sự truy lùng, rình rập của kẻ thù, họ vẫn kiên trì bám dân, bám cơ sở, gieo mầm cách mạng. Nhiều người mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ; nhiều người trở về với cơ thể không còn nguyên vẹn. Nhưng tất cả đều sống mãi trong lòng dân, là biểu tượng của lòng yêu nước, khí tiết cách mạng và tinh thần cống hiến không đòi hỏi.
Từ ký ức oai hùng đến bước chuyển mình mạnh mẽ
Sau ngày giải phóng, từ đống hoang tàn đổ nát của chiến tranh, Bình Định từng bước hồi sinh. Trong 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tỉnh đã vươn mình mạnh mẽ trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của khu vực duyên hải miền Trung.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm gần đây đạt khoảng 7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao phát triển nhanh. Bình Định xếp thứ 5/14 tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, và thứ 25/63 tỉnh, thành về quy mô kinh tế. Thành phố Quy Nhơn – trung tâm của tỉnh – hai lần được vinh danh là “Thành phố sạch ASEAN”, khẳng định vị thế ngày càng cao trong khu vực và quốc tế.
Không chỉ phát triển về kinh tế, Bình Định còn chú trọng phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; lòng tin của Nhân dân vào Đảng, chính quyền ngày càng được bồi đắp.
Truyền lửa lịch sử, dẫn lối tương lai
Tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nhấn mạnh: “Những bài học quý báu từ kháng chiến, đặc biệt là từ công tác chính trị và binh vận, vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần ấy chính là ngọn lửa dẫn đường trong hành trình đổi mới và phát triển hôm nay.”
Thật vậy, giữa bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số, cải cách thể chế và đặc biệt là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, thì những phẩm chất từng làm nên thắng lợi trên mặt trận không tiếng súng năm xưa vẫn là điểm tựa tinh thần cho công cuộc kiến thiết hiện nay. Nếu như trước đây, người chiến sĩ binh vận từng bám dân, bám địch, dùng trí tuệ, lòng dũng cảm và sự kiên trì lay động lòng người, thì hôm nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng phải “bám dân, bám thực tiễn”, tận tâm lắng nghe, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Cuộc cách mạng hôm nay, dù không còn tiếng bom rơi đạn nổ nhưng không kém phần cam go, bởi đó là cuộc chiến với tư duy cũ kỹ, trì trệ; là nỗ lực bền bỉ để cải cách thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực phát triển bền vững. Cuộc chiến ấy đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đổi mới không ngừng, và hơn hết là sự cống hiến âm thầm, không mưu cầu lợi ích cá nhân. Đó chính là sự kế thừa xứng đáng tinh thần “xung kích thầm lặng” của thế hệ cha anh – những người đã từng đem trí và tâm viết nên những trang sử vàng cho quê hương, đất nước.
Từ ký ức oai hùng của những năm tháng kháng chiến, từ niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh Nhân dân, càng phải khơi dậy mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận xã hội – một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng gia tăng hoạt động xuyên tạc, chống phá. Đoàn kết và thống nhất chính là vũ khí mạnh nhất. Khi lòng dân vững vàng, thế nước sẽ vững mạnh. Khi dân tin, dân theo, mọi cuộc cải cách dù lớn lao đến đâu cũng có thể vượt qua.
Buổi gặp mặt kết thúc trong không khí ấm áp, lắng đọng nhưng bừng lên những cảm xúc thiêng liêng và hào sảng. Lãnh đạo tỉnh trân trọng tri ân thế hệ đi trước – những người đã góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc – và mong muốn các cô chú, anh chị tiếp tục là những “ngọn lửa truyền lửa”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tiếp thêm sức mạnh cho hành trình dựng xây một nước Việt Nam hùng cường, hạnh phúc và trường tồn.
Bảo Giang