Tinh thần, phương pháp đấu tranh của V.I.Lênin vẫn soi rọi, định hướng cho nhiệm vụ “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị...” ở nước ta hiện nay.
V.I.Lênin đã viết: “Chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta” - Ảnh minh họa: internet
1. LÊNIN ĐẤU TRANH VỚI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Ngay tác phẩm đầu tay của mình: Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao, V.I.Lênin đã thể hiện là nhà duy vật triệt để trong lĩnh vực xã hội, thực hiện việc đấu tranh, phê phán những quan điểm duy tâm, siêu hình bảo vệ chủ nghĩa Mác. Trong đó, V.I.Lênin đã dựa chắc vào thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác và những thành tựu của khoa học tự nhiên đã đạt được để luận giải, chứng minh, chỉ ra tính chất ngụy biện, vô căn cứ của chủ nghĩa duy tâm, vạch trần tính hạn chế của phương pháp tư duy siêu hình mà phái dân túy tuyên truyền.
V.I.Lênin đã làm một cuộc mổ xẻ tận gốc nguồn gốc sản sinh, luận giải rõ bản chất đích thực của chủ nghĩa Bécstanh khi Ông cho rằng, chủ nghĩa Bécstanh không đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng mà đứng trên lập trường của “chủ nghĩa Cantơ mới”, theo đuôi cái gọi là khoa học của những giáo sư triết học tư sản. V.I.Lênin chỉ rõ, thực chất của chủ nghĩa xét lại Bécstanh là: “Xác định thái độ của mình tùy theo hoàn cảnh, thích ứng với những sự biến trước mắt, với những biến đổi của những sự kiện chính trị nhỏ nhặt, quên mất lợi ích sống còn của giai cấp vô sản và những nét căn bản của toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa, của toàn bộ sự tiến triển tư bản chủ nghĩa, hy sinh những lợi ích sống còn ấy vì những lợi ích thực tế hay những lợi ích giả định tạm thời, - đó là chính sách của bọn xét lại”(1). Đồng thời, V.I.Lênin nhấn mạnh, chủ nghĩa Mác là một hệ thống lý luận khoa học, đối lập với mọi biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm, chẳng những Bécstanh mà ngay cả mọi triết học tư sản hiện đại cũng không thể đánh đổ được.
Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, có hàng loạt những quan điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận nội dung giá trị chủ nghĩa Mác, trong đó có cả quan điểm của các lãnh tụ Quốc tế II. Theo V.I.Lênin, họ không chịu tiếp thu định hướng của C.Mác và Ph.Ăngghen để bổ sung, phát triển, mà thể hiện thái độ phủ nhận sạch trơn, họ cho rằng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại mới. Vì vậy, V.I.Lênin đã đấu tranh, vạch ra sự sai lầm, vô căn cứ và luận chứng một cách khoa học về bản chất đích thực của chủ nghĩa đế quốc. Trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, V.I.Lênin xác định “chủ nghĩa đế quốc là sự phát triển và kế tục trực tiếp của những đặc tính cơ bản của chủ nghĩa tư bản”(2), nhưng biểu hiện ở giai đoạn, trình độ cao. Mặc dù vậy, chủ nghĩa đế quốc vẫn là sự là tiếp nối quy luật phát sinh, phát triển và diệt vong của nó như C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng khái quát và chỉ ra không có sức mạnh nào phủ định chủ nghĩa tư bản hơn chính sự phát triển của những mâu thuẫn trong lòng nó và chủ nghĩa tư bản “sẽ không tránh khỏi sự tiêu diệt”(3).
Khi tiến trình cách mạng phát triển đến sự cận kề của đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân, khi điều kiện cách mạng vô sản đã trở nên chín muồi, thời cơ giành chính quyền về tay giai cấp công nhân đã xuất hiện, tinh thần của Đảng Bônsêvíc và quần chúng đang dâng lên, thì những kẻ đột lốt Mác chống Mác quyết liệt hơn. Loại quan điểm này chĩa mũi nhọn vào phủ nhận phương pháp giành chính quyền bằng cách mạng bạo lực; phủ nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác về bản chất giai cấp của nhà nước, phủ nhận chuyên chính vô sản. Trước tình hình đó, V.I.Lênin đã viết tác phẩm Nhà nước và cách mạng. Trong tác phẩm này, V.I.Lênin đã kế thừa tư tưởng của Ph.Ăngghen trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và chủ nhà nước, khẳng định lại những luận điểm và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới cho phù hợp với tình hình gấp rút. Trong quá trình ấy, V.I.Lênin đã thể hiện một phương pháp đấu tranh mới bằng cách trích dẫn quan điểm của Ph.Ăngghen và trích dẫn các luận điểm xuyên tạc, sai trái, để từ đó so sánh và chỉ ra sự cắt xén, thêm bớt của những kẻ chống Mác, hòng làm cho nội dung tư tưởng các luận điểm không còn đúng nghĩa. Qua đó, V.I.Lênin khôi phục lại bản chất cách mạng, khoa học và dẫn dắt, định hướng tư tưởng cho trận quyết chiến giành chính quyền nhà nước ở Nga.
Có thể nói, V.I.Lênin đã dành gần như trọn cuộc đời mình để đấu tranh kiên quyết, triệt để, không khoan nhượng nhưng rất khoa học, đầy sức thuyết phục và hiệu quả trước mọi quan điểm thù địch, sai trái, xuyên tạc, phản động, phản khoa học của kẻ thù chủ nghĩa Mác, như chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại với đủ màu sắc, dưới dạng công khai hay dấu mặt, cả nội địa lẫn quốc tế. Qua đó, V.I.Lênin đã có những cống hiến to lớn, thiết thực không những trực tiếp bảo vệ toàn diện chủ nghĩa Mác, mà còn làm tỏa sáng những giá trị khoa học và cách mạng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới.
2. VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA LÊNIN VÀO ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG THỜI KỲ MỚI
Mặc dù diễn ra cách đây hơn một thế kỷ, nhưng tinh thần, phương pháp đấu tranh của V.I.Lênin vẫn đang soi rọi, định hướng cho nhiệm vụ “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(4) ở nước ta hiện nay. Có thể tiếp cận nghiên cứu, định hướng vận dụng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới từ quan điểm của V.I.Lênin ở các góc độ khác nhau, nhưng cần tập trung ở những phương diện sau đây:
Một là, về thái độ, lập trường chính trị.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã để lại di sản đồ sộ các tác phẩm kinh điển, có giá trị vô cùng to lớn cả về lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Trong đó, thể hiện rõ thái độ kiên quyết, bản lĩnh kiên cường, không khoan nhượng đối với những kẻ xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác. Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của V.I.Lênin, xuyên suốt một quan điểm nhất quán là thái độ kiên quyết, bản lĩnh kiên cường, khoa học trong đấu tranh với các quan điểm sai trái. Mỗi tác phẩm đều gắn với đấu tranh phê phán một loại quan điểm sai trái, phản động cụ thể hay một tàn tích xấu, sản phẩm của chế độ xã hội cũ trong đời sống tinh thần của những người lao động. V.I.Lênin coi đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái như một tình huống, một nhiệm vụ quan trọng và chuyển nó thành động lực cho bảo vệ, phát triển tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen. Đồng thời, V.I.Lênin đưa tư tưởng đó vào giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và những người lao động trong thực tiễn.
Trong thời kỳ mới, các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, không chỉ xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn xuyên tạc, thổi phồng các vấn đề bức xúc trong xã hội, tạo dựng thông tin sai sự thật nhằm làm nhiễu loạn truyền thông, gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân.
Vì thế, những người tham gia vào đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động cần phải có thái độ kiên quyết, bản lĩnh kiên cường, không khoan nhượng, không dao động, dè dặt. Chỉ có thái độ kiên quyết, dũng khí, lập trường cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng thì mới không bị lung lạc trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới. Cán bộ, đảng viên, các lực lượng, những nhà khoa học cần noi gương sáng của V.I.Lênin để củng cố, phát huy thái độ kiên quyết, lập trường chính trị kiên định vững vàng trong cuộc đấu tranh này. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên, các lực lượng, các nhà khoa học cần phải là một tấm gương sáng trong định hướng, dẫn dắt dư luận, củng cố tinh thần cho toàn xã hội trước sự chống phá của các thế lực trong “diễn biến hòa bình”. Mặt khác, với thái độ kiên quyết, lập trường chính trị vững vàng và dũng khí đấu tranh của cán bộ, đảng viên, các lực lượng, các nhà khoa học còn là tấm gương sáng trong tuyên truyền, giáo dục cho toàn xã hội về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho mỗi người và cả dân tộc ta thật sự là một “cơ thể cường tráng” miễn dịch với những vi rút độc hại xâm nhập từ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cần phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của V.I.Lênin: “Không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình”(5).
Hai là, về nội dung đấu tranh.
V.I.Lênin đã nghiên cứu, toàn diện, sâu sắc toàn bộ tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen một cách nghiêm túc. Vì thế, V.I.Lênin mới có thể đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, đồng thời bảo vệ, phát triển từng nội dung và toàn bộ hệ thống tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen. Chỉ có như thế, mới có thể cho phép V.I.Lênin đưa ra kết luận: Tất cả những cái mà xã hội loài người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại một cách có phê phán, không bỏ sót một điểm nào. Tất cả những cái mà tư tưởng loài người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại, đã phê phán, và đã thông qua phong trào công nhân mà kiểm tra lại. “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(6).
Học tập V.I.Lênin về tính toàn diện, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, chúng ta không chỉ đấu tranh bảo vệ trực diện nội dung các quan điểm, nguyên lý cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và bảo vệ nhân dân; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều cần chú ý là, những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống hoàn chỉnh có giá trị bền vững. Vì thế, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng phải bảo vệ tính hệ thống, chỉnh thể toàn vẹn của những nguyên lý lý luận đó, không để những nguyên lý lý luận đó bị chia cắt, tách rời. Cho nên mọi khuynh hướng tách rời, trích dẫn cắt xén các luận điểm và luận giải không phù hợp với bối cảnh lịch sử đều phải đấu tranh phản bác để bảo vệ tính hệ thống, chỉnh thể toàn vẹn của những nguyên lý lý luận đó. Đồng thời, trong đấu tranh, cần phải bám sát thực tiễn cách mạng, lấy thực tiễn đó để đưa ra những kết luận xác đáng, làm cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với sự phát triển, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Ba là, về hình thức, phương pháp đấu tranh.
Trước mỗi quan điểm sai trái, V.I.Lênin đều hình thành một phương pháp luận chứng có tính đặc thù riêng, phù hợp, rất khoa học và có tính thuyết phục cao. Đồng thời, có những hình thức phê phán phong phú, đa dạng để tìm ra sự “ngụy biện” trong mỗi quan điểm sai trái thù địch, từ đó vạch trần thủ đoạn và phê phán có hiệu quả. Có thể thấy, phương pháp, hình thức đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái luôn thống nhất giữa giữ vững tính nguyên tắc, mục đích với tính linh hoạt được V.I.Lênin vận dụng một cách nhuần nhuyễn. Trong nguyên tắc đấu tranh, V.I.Lênin yêu cầu phải giữ vững sự đối lập về hệ tư tưởng, đối lập về lợi ích, địa vị giai cấp và phải kiên định với lập trường chủ nghĩa Mác. Trên cơ sở đó, phải tìm ra phương pháp với nhiều hình thức phê phán linh hoạt, phù hợp. V.I.Lênin chỉ rõ: “Thống nhất về mặt tư tưởng = truyền bá những tư tưởng nhất định, làm sáng tỏ sự đối chọi giai cấp, sự phân định ranh giới về mặt tư tưởng. Thống nhất về mặt tư tưởng = truyền bá những tư tưởng có khả năng đẩy lên phía trước, những tư tưởng của giai cấp tiên phong”(7). “Người nào bắt tay vào những vấn đề riêng trước khi giải quyết các vấn đề chung, thì kẻ đó, trên mỗi bước đi, sẽ không sao tránh khỏi “vấp phải” những vần đề chung đó một cách không tự giác. Mà mù quáng vấp phải những vấn đề đó trong từng trường hợp riêng lẻ, thì có nghĩa là đưa chính sách của mình đến chỗ có những dao động tồi tệ nhất và mất hẳn tính nguyên tắc”(8) - Đó là chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong thời kỳ mới, các loại quan điểm sai trái, thù địch diễn ra rất đa dạng, phức tạp. Vì thế, hình thức, phương pháp phê phán cũng phải linh hoạt, phù hợp. Vì mục đích xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch hiện nay, chúng luôn dùng thuật “ngụy biện”, “cài lỗi” lôgíc trong dẫn dắt, suy luận những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để che đậy âm mưu, thủ đoạn và bản chất phản động của chúng. Cho nên, trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, cần phải có phương pháp đúng với hình thức phù hợp, phải vạch ra sự “ngụy biện” và “cài lỗi” của chúng để đấu tranh có hiệu quả. Phải dùng phương pháp “luận chứng” khoa học để chứng minh cho nội dung, phê phán tính chất phản động, phản khoa học trong những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đồng thời, phải đa dạng hóa các hình thức đấu tranh theo hướng sử sụng tối đa thành thựu của công nghệ thông tin, Interrnet, mạng xã hội để đăng tải các nội dung tuyên truyền những quan điểm chính thống, định hướng dư luận; đấu tranh phản bác ngay tại các trang mạng “độc hại”, phản động được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp, giữa “xây” và “chống”, “xây” phải cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
Nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phản động càng cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của di sản tư tưởng, lý luận mà V.I.Lênin để lại. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, các lực lượng tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo di sản tư tưởng đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới./.
Đại tá, PGS. TS. DƯƠNG QUANG HIỂN
Trung tá, ThS. NGUYỄN VĂN HÙNG
Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự
Nguồn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương
___________________
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2005, t.17, tr.27- tr.28.
(2) (3) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.27, tr.488, 539.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.183.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.350.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.232.
(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.530.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.437.