CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
CHỐNG “GIẶC NỘI XÂM” KHÔNG XUA ĐUỔI “ĐẠI BÀNG LÀM TỔ”
Thứ sáu 12/07/2024 10:01

Trong thời gian gần đây, nhất là dịp chúng ta đang chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIV của Đảng, lợi dụng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên tục tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt. Chúng rêu rao rằng:  “việc xử lý cán bộ cấp cao, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thực chất là công cụ để các phe phái trong Đảng thanh trừng đối thủ”, “tranh giành quyền lực”, “làm mất ổn định chính trị”, “ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”, “làm chậm sự phát triển của đất nước”… Đây là thủ đoạn hết sức thâm độc, hòng phá hoại môi trường đầu tư kinh doanh, làm giảm sút uy tín của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Luận điệu xảo trá

Trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý, kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực và khởi tố, bắt tạm giam, xét xử nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước... liên quan đến sai phạm của các công ty, tập đoàn lớn như: Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An... Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, Quốc hội miễn nhiệm một số nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước. Tình hình đó đã tác động đến tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả tích cực và không tích cực.

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên tục tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.

Lợi dụng tình hình trên, hàng loạt các trang tin nước ngoài không có thiện cảm với chế độ chính trị của Việt Nam, đài “BBC Tiếng Việt”, “VOA Tiếng Việt”, “Thoibao.de”, “Việt Tân”, “RFA”, “RF”… đã tung ra những bài viết, bài phỏng vấn, các video clip trên Internet, mạng xã hội với những luận điệu vô cùng xảo trá, thâm độc. Ngày 28/3/2024, Đài Châu Á Tự do (RFA) rêu rao: “Hai chủ tịch nước rớt chức trong một năm là tín hiệu đáng lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài”. Trước đó, vào năm 2022, RFA đăng tải bài viết với luận điệu lố bịch: “Cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu”. Còn Đài VOA tung tin vô căn cứ: “Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư, tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư”. Cùng với đó, các loa phản động không ngừng gieo rắc các thông tin tiêu cực về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, chúng cho rằng: Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý hàng loạt cán bộ “làm mất ổn định chính trị”, “ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”, “khiến các nhà đầu tư e ngại”, “các nhà đầu tư FDI liên tục rời bỏ Việt Nam vì Việt Nam đang khủng hoảng chính trị”, điều này cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội và “làm chậm sự phát triển của đất nước”…

Những luận điệu trên của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhằm mục đích: (1) Quy kết, xuyên tạc trắng trợn bản chất của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta “là công cụ để các phe phái trong Đảng thành trừng đối thủ” trong bối cảnh chạy đua trước Đại hội Đảng khóa XIV; phủ nhận những thành tựu, kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, hòng làm giảm sút uy tín của Đảng, gây sự hoài nghi trong Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Trắng trợn xuyên tạc, bôi nhọ sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, cố tình phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau gần 40 năm đổi mới, nhằm làm hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài để phá hoại kinh tế của Việt Nam. Đây là những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm, không phải ngẫu nhiên mà các thế lực thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường trong thời gian gần đây. Chúng lợi dụng thời điểm chúng ta đang chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng để gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kích động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta và cuối cùng là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đây là âm mưu mà các các thế lực thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không bao giờ từ bỏ đối với Việt Nam. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, đồng thời phải tích cực đấu tranh phản bác.

Xu thế không thể đảo ngược

Tham nhũng là hiện tượng mang tính xã hội, là vấn nạn toàn cầu, tệ nạn nhức nhối ở tất cả các quốc gia, thể chế chính trị, trong đó có Việt Nam. Về nguồn gốc và bản chất, tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực để mưu đồ lợi ích cá nhân của người có chức có quyền, mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực[1]. Theo kết quả Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố hàng năm (từ năm 2014 - 2022) cho thấy một bức tranh màu xám về tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới, với hơn 2/3 trong tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá chỉ đạt dưới 50 trên thang 100 điểm (mức độ tham nhũng cao). Lo ngại về tính nghiêm trọng và mối đe dọa do tham nhũng gây ra đối với sự ổn định và an ninh xã hội, gây tổn hại đến sự phát triển bền vững và chế độ mỗi quốc gia, ngày 09/12/2003, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Công ước về phòng chống tham nhũng nhằm “thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng và chống tham nhũng một cách hữu hiệu và hiệu quả hơn”[2] ở các quốc gia trên toàn thế giới. Vì vậy, tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng là xu thế tất yếu, là công cuộc của mọi quốc gia để tạo sự ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 (ngày 30/6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII, tham nhũng được Đảng ta nhận diện là “một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[3] (Đại hội XIII). Chính vì vậy, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay từ những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay”[4]. Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng ta càng nhận rõ đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[5]. Do đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, chủ trương rất đúng và trúng để tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tập trung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, điều này cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là “công cụ để các phe phái trong Đảng thanh trừng đối thủ”, “tranh giành quyền lực” như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu.

Thực chất của đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là “trị bệnh cứu người”, là “đập chuột không để vỡ bình” nhằm góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, toàn diện, không phải là cuộc đấu tranh giữa các phe cánh. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phó Trọng lãnh đạo đã đạt thành tựu không thể phủ nhận, đã thể hiện nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”[6]; “đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”[7]. Đó là điều không thể phủ nhận. Trong 10 năm (2012 - 2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm[8].

Chỉ tính riêng trong năm 2023, cơ quan chức năng đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can (tăng 46% về số vụ so với năm 2022) liên quan đến các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều cán bộ đã bị xử lý hình sự… Lợi dụng điều này các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật, kích động cho rằng Việt Nam đang có dấu hiệu bất ổn về chính trị. Điều này có thể gây tâm lo ngại đối với một số nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự hiểu về tình hình Việt Nam. Tuy nhiên, việc thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo, quản lý là công việc bình thường của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, điều này không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước. Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách pháp luật của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là không hề thay đổi. Việc thay đổi cán bộ cấp cao, xử lý cán bộ nhằm mục đích duy nhất là để Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch hơn, từ đó lãnh đạo đất nước tốt hơn, củng cố niềm tin của người dân với sự cầm quyền của Đảng.

Thực tế cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phát triển kinh tế bền vững có mối quan hệ biện chứng với nhau. Một số người vin vào việc một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh đi đôi với việc có tỷ lệ tham nhũng cao, từ đó lập luận ngây thơ rằng tham nhũng chính là “chất bôi trơn” để cỗ máy kinh tế hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên, đó là quan điểm sai lầm, là cách phát triển kinh tế thiếu bền vững và hậu quả là dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Thực tiễn tại nhiều quốc gia đều cho thấy tác hại của tham nhũng đối với phát triển bền vững và hậu quả của tham nhũng đối với sự phát triển kinh tế là rất lớn và dai dẳng. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng hiệu quả là một nhân tố, điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế bền vững.

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, càng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, nền kinh tế càng có điều kiện phát triển, tăng trưởng khá. Quy mô GDP của nước ta không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với thời kỳ đầu đổi mới, lên mức 4.300 USD năm 2023; từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD). Đến nay Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vũng lãnh thổ, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, năm 2023 vốn FDI đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022; vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất từ trước đến nay; và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI[9]. Điều này cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Dư luận quốc tế đánh giá rất cao về môi trường kinh tế của Việt Nam. Trang finance.yahoo.com (Mỹ) (ngày 04/4/2024) nhận định: “Việt Nam xếp thứ 6 về tốc độ tăng trưởng ở châu Á trong số 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á năm 2024”[10]. Trang cbgabd.org của Trung tâm KRE (chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, trụ sở tại Bangladesh) nhận định: “Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh”. “Hơn 35 năm qua, Việt Nam ghi nhận mức FDI đăng ký tăng mạnh từ 2 triệu USD năm 1988 lên mức 550 tỷ USD vào cuối năm 2023”. “Việt Nam còn có 36.000 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn 441 tỷ USD. Đáng chú ý, 57% số vốn FDI này đã được giải ngân, phản ánh dòng vốn FDI mạnh mẽ đổ bộ vào Việt Nam”. Đồng thời, Trang cbgabd.org cũng nhận định: “Việt Nam cung cấp môi trường đầu tư thuận lợi nhờ sự ổn định của Chính phủ, tầm nhìn kinh tế được hoạch định rõ ràng, thực thi chính sách công bằng, không có nhiều rào cản đầu tư và cơ chế ưu đãi hấp dẫn”. “Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp”. “Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu - điều này củng cố vị thế của Việt Nam là điểm đến yêu thích của thương mại quốc tế”[11]

Những con số “biết nói” nêu trên cũng như những đánh giá tích cực từ dư luận quốc tế đối với môi trường kinh tế của Việt Nam là minh chứng thuyết phục phản bác những luận điệu trơ trẽn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng làm “ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”, “làm chậm sự phát triển của đất nước”. Và dưới sự lãnh đạo của Đảng, một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển ổn định về mọi mặt, khẳng định được vị thế trong khu vực và trên thế giới[12].

Như vậy, có thể khẳng định rằng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng là chống “giặc nội xâm” nhưng không xua đuổi “đại bàng làm tổ”; không những không làm “mất ổn định chính trị”, “làm chậm sự phát triển của đất nước” mà ngược lại công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cuộc chiến không ngừng nghỉ

Dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những năm tiếp theo, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức phức tạp phát sinh. Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiếp tục bị chi phối, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột quân sự. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, nhất là giữa các cường quốc Mỹ - Nga - Trung Quốc tiếp tục diễn ra gay gắt. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas, các phong trào nổi dậy ở các nước Châu Phi và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga có thể kéo dài, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể phí tạp hơn, đe dọa nghiêm trọng đến sự bảo đảm an ninh chính trị, phát triển bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.

Ở trong nước, các vấn đề về nhân sự, văn kiện chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2026 - 2031; vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; các sự kiện đối ngoại lớn của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... được dự báo sẽ tiếp tục là những chủ đề bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá quyết liệt trong thời gian tới.

Để tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, thời gian tới, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần đẩy mạnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt và kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bản chất của các vụ việc, vụ án, nguyên nhân của việc xử lý cán bộ, đảng viên; rà soát đánh giá mức độ, liều lượng, tần suất thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan báo chí để chỉ đạo, điều chỉnh thông tin kịp thời, phù hợp, đảm bảo cảnh báo, răn đe, tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời ổn định tâm lý, tư tưởng cho cán bộ, đảng biên và Nhân dân… góp phần tạo sự thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, là ý nguyện của Nhân dân.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 35 các cấp và các cơ quan chức năng trong ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý, kỷ luật, truy tố, xét xử cán bộ sai phạm để xuyên tạc, bịa đặt, cho rằng đây là “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, “làm mất ổn định chính trị”, “ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”, “làm chậm sự phát triển của đất nước”. Vạch trần bản chất, các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trước những vụ việc phức tạp, nhạy cảm; tăng cường thông tin tích cực, lan tỏa các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ, đồng tình, tích cực chung tay cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, đẩy mạnh thông tin đối ngoại về thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của đất nước qua gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh quảng bá rộng rãi hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt nam, tiềm năng đầu tư, môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tưsự phát triển năng động, hiệu quả của Việt Nam… góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè và đối tác quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thứ năm, tiếp tục quán triệt và tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng, đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, để lựa chọn cán bộ có đức, có tài; phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển vững mạnh của đất nước./.

Minh Thông - Thanh Sang


[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.405.

[2] Đại hội đồng Liên hợp quốc: Công ước về phòng chống tham nhũng, Điều 1.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.I, tr.93.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.55, tr.237.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.193.

[6] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 12/12/2020.

[7] Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ngày 30/6/2022.

[8] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.26.

[9] Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).

[10] Thông tấn xã Việt Nam (số 15-DLVN), Dư luận thế giới về Việt Nam, tr.16.

[11] Thông tấn xã Việt Nam (số 15-DLVN), Dư luận thế giới về Việt Nam, tr.16 - 17.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.25.