Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh minh họa
CÙNG CHUNG NGUỒN CỘI
Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc Việt. Việc thờ phụng các Vua Hùng làm sâu sắc hơn ý thức về cội nguồn dân tộc, hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ của dân tộc. Với ý nghĩa đó, Giỗ Tổ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng (trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh) bắt nguồn từ thời đại các Vua Hùng với niềm tin cả dân tộc có cùng một nguồn cội (Tổ) - chung giống nòi "con Rồng cháu Tiên". Từ trung tâm đầu tiên này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một dòng chảy bất tận, có sức sống lâu bền lưu truyền từ đời này qua đời khác, lan tỏa và trải rộng khắp chiều dài và chiều rộng đất nước, dù đất nước khi thịnh, khi suy, khi chiến tranh, loạn lạc hay thịnh trị, thái bình. Được duy trì từ bao đời đến muôn đời, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thấm đẫm đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" mà còn hiển hiện sinh động tinh thần đại đoàn kết dân tộc được lưu truyền, bồi đắp suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Giỗ Tổ là một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam và ngày 10/3 hằng năm càng đặc biệt hơn khi Unesco đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 6/12/2012. Với ý nghĩa linh thiêng, sâu sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Việt, thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc, Giỗ Tổ có vị trí và tầm quan trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc như Vua Lê Thái Tổ tuyên ngôn trong Lời tựa cuốn sách Lam Sơn thực lục: "Vật gốc từ Trời, người gốc từ Tổ, ví như nước và cây phải có gốc nguồn… Vì rằng gốc có vượng thì lá mới tốt, nguồn có sâu thì dòng mới dài, nếu không có nhân ái của đời trước bồi đắp dày dạn, phúc trạch đời trước chung đúc lớn lao, thì làm sao lại có thể được như ngày nay vậy".
Vì thế, mỗi khi về Giỗ Tổ tại Đền Hùng, muôn triệu trái tim người dân Việt Nam không chỉ được trải nghiệm nghi lễ trang nghiêm, không khí/không gian văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đất Tổ; được gặp gỡ, giao lưu văn hóa với các vùng miền, đan xen giữa truyền thống và hiện đại trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Việt mà còn thêm một lần thể hiện sâu sắc ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc vốn được hình thành, bồi tụ suốt bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, suốt quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa của người Việt; trong đó, nổi bật nhất là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Cùng với chiều dài lịch sử, nguồn sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc - sức mạnh trường sinh từ lòng yêu nước thiết tha của 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S được hình thành, tôi luyện trong đấu tranh với thiên nhiên hết sức khắc nghiệt, với giặc ngoại xâm hung hãn luôn rình rập, với hoạn nạn khi có dịch bệnh là minh chứng hiển hiện sinh động nhất cho bản lĩnh, khí phách con người Việt Nam trong sự nghiệp dựng xây và bảo vệ non sông gấm vóc, cơ đồ Việt Nam. Mỗi lần hướng về nguồn cội, về với Tổ là thêm một lần thấu triệt sâu sắc hơn bài học về việc phát huy sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc triệu người như một như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ"[1].
Tiếp tục phát huy nguồn sức mạnh của tinh thần đoàn kết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: "Nước Việt Nam là nước chung của chúng ta"; trong đó "đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt: Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt"[2]. Sau đó, chính tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) khi chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô ngày 19/9/1954: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Cùng chung một nguồn cội con Rồng cháu Tiên, con cháu Lạc Hồng ở muôn phương cùng hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày Quốc giỗ - nơi hiển hiện sinh động nhất lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam để không chỉ ghi nhớ, trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã dày công xây đắp mà còn nguyện cùng nhau "thương yêu nhau", 'kính trọng nhau", "giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn. Tinh thần yêu nước, cố kết cộng đồng là những giá trị truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Nhờ việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống quý báu đó mà dân tộc ta đã đánh thắng được mọi kẻ thù, vượt qua được thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Giỗ Tổ Hùng Vương khơi dậy, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng - một giá trị tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc trong tâm thức mỗi người dân Việt.
PHÁT HUY SỨC MẠNH NỘI SINH CỦA CẢ DÂN TỘC
Ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc của mỗi người dân Việt Nam thể hiện rõ ở lòng yêu nước, đoàn kết, làm nên sức mạnh to lớn, tạo động lực và nhân nguồn sức mạnh của cả dân tộc giữ gìn non sông, bờ cõi vững bền. Càng đối diện với khó khăn, thử thách, càng phải đoàn kết và thể hiện lòng yêu nước đúng đắn. Muốn vậy, phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, "tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác"[3] để không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên cơ sở xác định rõ "lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc"[4], mỗi người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc với tinh thần và quyết tâm "toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại"[5] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Mỗi khi đất nước gặp thiên tai, bão lũ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn cùng với những hành động thiết thực hướng tới đồng bào mình đang chống chọi với thiên nhiên trên tinh thần thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… đã làm cho tình nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn được siết chặt, keo sơn gắn bó hơn. Những câu lạc bộ "Kết nối yêu thương", những món quà từ tấm lòng nhân ái, sẻ chia trên tinh thần đùm bọc từ khắp mọi miền đất nước đã lan toả hơi ấm tới đồng bào vùng bị thiên tai, tạo nên sức mạnh cộng đồng của dân tộc Việt. Sự động viên, chia sẻ của cộng đồng, người dân cả nước đã góp phần giúp đồng bào ở những vùng bị thiên tai nguôi ngoai nỗi đau và sớm ổn định cuộc sống. Từ trong khắc nghiệt của thiên tai, hoạn nạn lại càng thấy rõ hơn, sinh động hơn sự chung sức, chung lòng của cộng đồng con cháu Lạc Hồng; càng làm cho tinh thần tương thân tương ái từ bao đời nay của người dân Việt Nam lấp lánh hơn khi "bão lũ đi qua, lòng người ở lại"!
Mỗi khi đứng trước dịch bệnh đe dọa tính mạng con người, nhất là lúc này đây khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 về việc công bố dịch Covid-19 trong toàn quốc, hơn bao giờ hết, mỗi người dân Việt Nam với trái tim yêu nước, thương nòi của con cháu Lạc Hồng không chỉ chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19, của Bộ Y tế để dự phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu mà còn cùng nhau đoàn kết, chia ngọt, sẻ bùi trên tinh thần "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao" và "không để một ai bị bỏ lại phía sau"… Cả nước cùng chống "giặc dịch" với sự chung tay góp sức của các cấp, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân; của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trên dưới một lòng, thể hiện ý chí thống nhất và quyết tâm trong cuộc chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19 sẽ tạo nguồn sức mạnh tổng hợp để từng bước kiểm soát, khống chế, đẩy lùi, chặn đứng đại dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân.
Có thể nói, mỗi lần phải đối diện với thiên tai, địch họa hay dịch bệnh là thêm một lần lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của mỗi người dân đất Việt lại được khơi dậy, tỏa sáng để cùng nhau tụ lại, nhân nguồn sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Đó chính là sức mạnh dân tộc Việt, giá trị cao đẹp của dân tộc ta từ truyền thống đến hiện đại./.
Thanh Mai - Nguồn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương
[1] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.164-165
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.249
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9 tr.244
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158-159
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.178-179