Công nhân, viên chức, người lao động tiêu biểu, có nhiều sáng kiến trong nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị, DN trong tỉnh được biểu dương vào Tháng Công nhân hàng năm.
ƯƠM "HẠT" SAY MÊ NGOẠI NGỮ TRÊN VÙNG VEN BIỂN
Nhiều năm qua, chị Trương Thị Bích Ngoan, 33 tuổi, giáo viên tiếng Anh, Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Giáo dục công dân - Tiếng Anh Trường THCS Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn) đã có nhiều tìm tòi và sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Bắt đầu với mục tiêu giúp học trò yêu thích, học tập hiệu quả môn học mà mình giảng dạy, mỗi năm, chị đều xây dựng những giải pháp, sáng kiến mới nhằm khuyến khích, tạo động lực, môi trường phù hợp cho học trò xứ ven biển trong việc học môn Tiếng Anh.
Năm học 2012 - 2013, chị áp dụng sáng kiến "Lồng ghép yếu tố kịch vào trong một số tiết dạy trong chương trình Tiếng Anh 9". Năm học 2013 - 2014, sáng kiến "Lồng ghép truyện cười vào trong một số tiết dạy trong chương trình Tiếng Anh THCS" được đưa vào áp dụng. Năm học 2014 - 2015, chị viết giải pháp "Tạo môi trường giao tiếp Tiếng Anh cho học sinh lớp 8, 9 ở Trường THCS Hoài Hải". Năm học 2016 - 2017 là đề tài "Sáng kiến dạy các tiết dự án trong chương trình Tiếng Anh lớp 6 thí điểm". Năm học 2017 - 2018 là đề tài "Một số giải pháp phát huy năng lực tự học của học sinh trong môn Tiếng Anh". Năm học 2018 - 2019, chị tập trung xây dựng giải pháp "Phát huy sự tương tác giữa học sinh và học sinh trong môn Tiếng Anh".
"Trong số này, hai sáng kiến của năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018 là tôi tâm đắc nhất, cũng là hai sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A cấp tỉnh. Ví dụ như sáng kiến "dạy các tiết dự án trong chương trình Tiếng Anh lớp 6 thí điểm", những phương pháp mà tôi trải nghiệm và đề ra tại sáng kiến này đã giúp bản thân tôi vượt qua những bối rối trong việc giảng dạy phần dự án, biết cách hướng dẫn học sinh hoàn thành các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của một tiết dạy dự án, cách để đánh giá sản phẩm của các em. Nhờ đó mà phát huy các ưu điểm, tính tích cực của các tiết dự án trong chương trình", chị Bích Ngoan chia sẻ thêm.
Học tập, cập nhật các phương pháp sư phạm, kiến thức đã giúp chị Bích Ngoan có nhiều tiết giảng sinh động. Kết quả giảng dạy cuối năm bộ môn Tiếng Anh do chị phụ trách vượt chỉ tiêu đầu năm đặt ra. Số lượng học sinh giỏi cấp huyện đạt cao.
Chị Ngoan cũng dành tâm sức cho công tác giáo viên chủ nhiệm. Lớp 9A3 do chị chủ nhiệm năm 2018 - 2019 đã đạt một số kết quả tốt trong các hoạt động phong trào như: Thi lồng đèn trung thu đạt giải nhất khối, đạt giải ba thi đấu bóng chuyền nữ, đạt giải nhất toàn đoàn trong hội trại 26.3. "Nhưng điều tôi mừng nhất là nhiều học sinh đã chuyển biến tích cực về học lực và hạnh kiểm. Chẳng hạn, một học trò vào cuối năm lớp 8 đã thi lại, thuộc diện có khả năng bỏ học. Tôi đã động viên, dành thời gian để quan tâm em nhiều hơn, đến nhà trao đổi với phụ huynh, đến cuối năm học, em đã vượt qua kỳ thi lớp 10 và hiện vẫn đang tiếp tục học bậc THPT. Câu chuyện của em luôn cho tôi động lực trên con đường sư phạm", chị Ngoan chia sẻ thêm.
Cô giáo môn Tiếng Anh Trương Thị Bích Ngoan với học trò của mình. Ảnh: NVCC
SÁNG KIẾN CẢI TIẾN
Ở lĩnh vực sản xuất trực tiếp, nhiều người lao động đã có những sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn lao động và giúp DN tiết kiệm các chi phí liên quan.
Từ những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn sản xuất, anh Nguyễn Văn Giới, 33 tuổi, nhân viên phụ trách tổ thiết bị & hóa chất Phòng kiểm soát chất lượng thuộc Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam đã đề xuất 2 sáng kiến. Đó là: "Cải tiến quy trình kiểm tra hàm lượng kali trong sản phẩm "Ringer Lactate" và "Lactated ringer's and destrose bằng phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử". Sáng kiến này đã tối ưu hóa được phương pháp kiểm tra để cho ra kết quả chính xác hơn, có độ tin cậy cao hơn, rút ngắn thời gian kiểm tra mẫu, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm. Thông qua đó, góp phần làm lợi khoảng 35 triệu đồng/năm cho DN.
Sáng kiến thứ hai là "Tích hợp phương pháp kiểm Karl Fisher sang máy hiệu chuẩn điện thế T7" của anh Giới cũng đã góp phần giảm được chi phí sửa chữa thiết bị, chi phí hiệu chuẩn phần cứng hàng năm, chi phí nâng cấp phần mềm hoặc thiết bị để đạt yêu cầu bảo mật dữ liệu... Tổng giá trị làm lợi của sáng kiến ước tính khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh Vũ Trọng Thành, 39 tuổi, Tổ phó tổ cơ điện Nhà máy chế biến gỗ Phù Cát, Xí nghiệp Thắng Lợi, Công ty CP Phú Tài cũng là một "cây sáng kiến" của DN. Xuất phát từ vị trí công nhân kỹ thuật, anh trở thành Tổ phó, hiện được DN đánh giá là người đi đầu trong công tác đào tạo, kèm cặp những thành viên trong phân xưởng góp phần cho tổ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cũng là người đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của nhà máy. Năm 2019, sáng kiến cải tiến "Máy khoan mê tựa, mê ngồi ghế băng 1, 2, 3" của anh đã góp phần làm lợi 475 triệu đồng cho nhà máy.
Anh Thành cho biết: "Trước đây, dây chuyền sản xuất lắp ráp các loại ghế băng của bộ phận tinh chế, phải sử dụng nhiều công đoạn, khoan từng chi tiết trước, rồi mới lắp ráp thành cụm mê ngồi, mê tựa, nên có độ chính xác không cao, năng suất lao động thấp. Hưởng ứng phong trào "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động" do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phát động, tôi đã hình thành ý tưởng "Máy khoan mê tựa, mê ngồi ghế băng 1, 2, 3". Trước khi cải tiến, Công ty phải mua máy của các nhà sản xuất trên thị trường với giá 175 triệu đồng/cái, nhưng chỉ có máy khoan mê băng 1, không có máy khoan băng 2; nếu đặt hàng thì phải mất nhiều thời gian và giá cũng sẽ cao hơn. Nhờ cải tiến này, chúng tôi đã sản xuất được 5 máy cho Công ty, giá thành mỗi cái chỉ 80 triệu đồng".
AN KHANG - Nguồn Báo Bình Định