Chiều 1.7, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc với Mặt trận và các tổ chức thành viên sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và một số ĐBQH khác
Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: C.H
Theo báo cáo của Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp lần này đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thông qua 11 luật, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.
Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét, thông qua 21 nghị quyết. Trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quốc hội cũng tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ CA; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các ĐBQH.
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, thảo luận sôi nổi, thể hiện rõ quan điểm của Đoàn ĐBQH tỉnh trong các nội dung, chương trình của kỳ họp thứ 7.
Đại diện Mặt trận và các tổ chức thành viên bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả tích cực mà kỳ họp đã đạt được; đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến một số lĩnh vực. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH cần đẩy nhanh việc xác nhận, giải quyết các hồ sơ chính sách người có công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị Nhà nước quan tâm giảm thuế hoặc miễn trừ thuế cổ vật, nhằm tạo điều kiện cho việc tổ chức cá nhân hồi hương cổ vật từ nước ngoài về Việt Nam, góp phần gìn giữ cổ vật cho đất nước.
Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc. Ảnh: C.H
Ngoài ra, ý kiến được các tổ chức thành viên quan tâm nhất là chính sách cải cách tiền lương được áp dụng từ ngày 1.7.2024. Theo đó, các đại biểu đánh giá cao chính sách này đã tạo điều kiện nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa đảm bảo đồng đều ở một số đối tượng khác nhau, nhất là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Bên cạnh đó, chính sách này cũng chưa gắn liền với việc nâng phụ cấp trực ca cho đội ngũ y, bác sĩ; bởi, thực tế mức phụ cấp trực rất thấp và đang áp dụng đã kéo dài suốt 13 năm qua.
Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn khẳng định quan điểm của đoàn ĐBQH tỉnh vẫn kiên trì chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con cử tri tỉnh đến với Quốc hội. Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã giải đáp, làm rõ thêm một số ý kiến được nêu ra tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn phát biểu tại hội nghị tiếp xúc với Mặt trận và các tổ chức thành viên. Ảnh: C.H
Cụ thể, đối với các trường hợp xét duyệt hồ sơ đối tượng người có công còn tồn đọng, đại biểu Lê Kim Toàn thông tin, đoàn ĐBQH tỉnh đã có kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH tại các kỳ họp trước. Qua đó, Bộ đã hoàn thiện việc thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, người hưởng chính sách của tỉnh; đồng thời sau kỳ họp thứ 7, trước kỳ họp thứ 8 sắp tới, Bộ sẽ có văn bản trả lời địa phương đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với ý kiến giảm thuế để tạo điều kiện cổ vật hồi hương về Việt Nam, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng đây là kiến nghị khá hay. Tuy nhiên, trong Luật Di sản văn hóa có quy định rõ, tổ chức cá nhân hồi hương cổ vật theo diện mua hoặc tài trợ và hiến tặng lại cho Nhà nước trưng bày sẽ không bị đánh thuế. “Còn trường hợp cổ vật được tổ chức cá nhân tự bỏ tiền ra mua và hồi hương về Việt Nam phải bị đánh thuế theo quy định, vì đây là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Đây là quy định rất chặt chẽ, minh bạch của Nhà nước, để tránh tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở để mua bán cổ vật trái phép”, đại biểu Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Kim Toàn còn giải trình và làm rõ một số nội dung mà cử tri kiến nghị liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức và lương hưu; vấn đề nâng phụ cấp cho đội ngũ y, bác sĩ…
Đối với những kiến nghị khác của cử tri và đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp, đề đạt tới nghị trường Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh xem xét giải quyết trong kỳ họp sắp tới.
CHƯƠNG HIẾU - Nguồn Báo Bình Định