CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Bình Định đào tạo 7.500 nhân lực bán dẫn, AI, cho sinh viên vay không lãi suất
Thứ ba 27/05/2025 08:26

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn và an ninh mạng (ANM) tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.

Các kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc tại cơ sở của Tập đoàn FPT tại TP Quy Nhơn. Ảnh: TRỌNG LỢI

Mục tiêu của Đề án nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và ANM, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của DN và thị trường lao động. Đồng thời, xây dựng Bình Định thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao hàng đầu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Đề án đề ra mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh đào tạo ít nhất 7.500 nhân lực trong các ngành liên quan. Trong đó, đào tạo 4.020 cử nhân, kỹ sư thuộc các chuyên ngành, bao gồm 2.120 người trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch, 1.900 người trong lĩnh vực AI, An toàn và ANM. Đồng thời, đào tạo 980 kỹ sư thực hành, gồm 380 kỹ sư trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch, 800 kỹ sư trong lĩnh vực AI, an toàn và ANM.

Đào tạo bổ sung và nâng cao kiến thức cho kỹ sư, cử nhân thuộc các ngành gần, như: Điện tử - viễn thông, kỹ thuật điện, điều khiển tự động hóa, vật lý, công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và kỹ thuật phần mềm. Dự kiến sẽ bồi dưỡng cho 2.500 kỹ sư, cử nhân, gồm 1.500 nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch, 1.000 nhân lực trong lĩnh vực AI, an toàn và ANM. Bồi dưỡng giảng viên, chuyên gia: Bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 95 giảng viên và đào tạo 5 tiến sĩ về công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và ANM.

Về cơ sở vật chất, xây dựng 1 hệ thống phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung được trang bị đầy đủ để phục vụ đào tạo và nghiên cứu về các công đoạn thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Dự kiến phòng thí nghiệm bán dẫn này sẽ đặt tại Trường đại học Quy Nhơn với kinh phí đầu tư 120 tỷ đồng.

Để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực tham gia đào tạo các ngành nghề trên, tỉnh cho vay vốn nộp học phí với lãi suất ưu đãi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với người học tham gia các chương trình đào tạo cử nhân (4 năm - mức học phí bình quân 38,3 triệu đồng/năm) và kỹ sư (4,5 năm - mức học phí bình quân 39,6 triệu đồng/năm), dự kiến cho vay 40 triệu đồng/năm và hỗ trợ miễn lãi suất cho các đối tượng này trong thời gian tham gia đào tạo. Đồng thời, có chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia đầu ngành về bán dẫn, AI, an toàn và ANM công tác tại tỉnh. Chính sách hỗ trợ nhà ở chuyên gia…

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế đặc thù khi thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, AI, an toàn và ANM cho các trường ĐH, CĐ tại Bình Định. Đề nghị Bộ Tài chính có chính sách tăng hạn mức cho tỉnh tiền vay đối với người học các lĩnh vực bán dẫn, AI, an toàn và ANM. Có các chính sách miễn tiền thuê đất đối với các tập đoàn, DN lớn về đu tư liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và ANM. Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, phát triển nhà ở phục vụ đối với các chuyên gia về công tác tại tỉnh về lĩnh vực liên quan đến Đề án này. Xây dựng cơ chế khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao để tận dụng nguồn nhân lực đã được đào tạo…

TRỌNG LỢI - Nguồn Báo Bình Định