CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Nhà bảo tồn văn hóa Bana Kriêm - Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống
Thứ năm 23/01/2020 10:08
Xác định việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Bana không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào và thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội phát triển, làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác này và nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.

Nhân dân làng Kon Blo vui mừng khi công trình nhà Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Bana Kriêm được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Với ý nghĩa đó, đầu năm 2020, nhân dân làng Kon Blo đã tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng Nhà bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Bana Kriêm. Đây là làng đầu tiên ở huyện Vĩnh Thạnh có Nhà bảo tồn văn hóa truyền thống.

Nhà bảo tồn văn hóa truyền thống làng Kon Blo được xây dựng trên khu đất gần nhà rông của làng K8. Công trình được dựng lên từ chính công sức của nhân dân làng K8; bằng chất liệu gỗ, tre nứa, song mây, tranh lá. Riêng phần mái được lợp bằng ngói. Nhà bảo tồn có diện tích hơn 60m2, được xây dựng từ tháng 11/2019 đến ngày 10/01/2020 hoàn thành.

Đến thăm nhà bảo tồn văn hóa truyền thống của làng Kon Blo, nghệ nhân ưu tú Đinh Y Băng - Làng M3, xã Vĩnh Thịnh thực sự yêu thích và khâm phục những gì mà các nghệ nhân làng Kon Blo làm được, xuýt xoa với những vật dụng cổ lâu giờ không còn được thấy nữa. Ông Băng tâm sự: "Đây là mơ ước chung từ lâu nay của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh nói chung và các bản làng nói riêng. Làng Kon Blo làm được thế này thì vui quá, mừng quá".

Nhà bảo tồn văn hóa truyền thống của làng Kon Blo sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, đồ dùng lao động, sản xuất, sinh hoạt trong các gia đình đồng bào Bana Bana Kriêm như: Cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn pơ lơn khơng, khố, chăn, váy, xa quay sợi… Đồng thời, đây còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần giữ gìn nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh.

Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện tham quan nhà bảo tồn.

Không chỉ lưu giữ, trưng bày ở nhà bảo tồn văn hóa của làng, nhiều gia đình trong làng trước đây đã tự sưu tầm và trưng bày riêng về văn hóa Bana với nhiều vật dụng sinh hoạt của người Bana. Bà con đã có ý thức sưu tầm và giữ gìn các giá trị văn hóa của đồng bào mình, cả về văn hóa phi vật thể, vật thể như mâm cổ, bát cổ, chiêng cổ, cuốc, xẻng, nồi đồng, khăn khố… giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Bana để các con, cháu noi theo. Ông Đinh Hú - Người dân làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn, bày tỏ suy nghĩ của mình như thế này: "Làm được thế này, bà con chúng tôi mừng lắm. Chỉ trong ngày đầu tiên vận động, đã có hơn 100 hiện vật được bà con mang đến. Nhà ai có hiện vật gì cũng đem góp vào để con cháu mình sau này biết được dân tộc mình trước đây sống thế nào, làm ăn thế nào, đánh giặc bằng gì...".

Cũng như các dân tộc anh em chung sống trên dãy Trường Sơn, người Bana ở Vĩnh Thạnh trong quá trình tồn tại và phát triển đã kiến tạo cho mình một bản sắc văn hóa riêng biệt. Ngày nay, cho dù đã có nhiều sự thay đổi, phát triển, nhưng đồng bào Bana vẫn luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Văn hóa truyền thống của dân tộc Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh mang đậm dấu ấn của cư dân sống bên dãy Trường Sơn. Các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh đang được gìn giữ và phát huy.

Việc huy động nguồn lực cộng đồng cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Bana ở làng Kon Blo đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân. Đặc biệt là góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương - Làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn, cho rằng: "Giờ đã làm được nhà bảo tồn rồi, phấn khởi lắm, trước mắt chúng tôi vận động bà con góp tặng các vật dụng truyền thống của người Bana để trưng bày, bảo tồn. Có những thứ giờ trong làng không còn thì đi tìm ở các làng khác. Nếu làng khác không còn thi tìm người biết để làm lại để các thế hệ sau biết về truyền thống dân tộc mình".

Để bảo tồn văn hóa truyền thống, trước mắt làng Kon Blo vận động người dân hiến tặng những vật dụng truyền thống mà các gia đình hiện còn lưu giữ. Đồng thời tiếp tục sưu tầm thêm những thứ còn thiếu ở các làng khác để trưng bày, bảo quản các di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Bana nhằm giúp cho người dân, học sinh, sinh viên người đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện hiểu biết và yêu hơn văn hóa truyền thống của người Bana.

Xuân Dũng