Sinh viên Trường CĐ KTCN Quy Nhơn trong giờ thực hành dưới sự kiểm tra của chuyên gia Australia.
Trường CĐ KTCN Bình Định là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo quy định của pháp luật; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH.
Trường có trụ sở chính ở số 684 Hùng Vương, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn; cơ sở 2 ở khối 5, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Các cơ sở thực hành gồm cơ sở I ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn; cơ sở II ở phường Bình Định, TX An Nhơn.
Tổng nhân lực của Trường CĐ KTCN Bình Định dự kiến 382 người; gồm 237 cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường CĐ Bình Định và 145 cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường CĐ KTCN Quy Nhơn.
Trường CĐ KTCN Bình Định có 11 khoa chuyên môn; cơ bản giữ nguyên các khoa đào tạo nghề hiện có của 2 trường, sáp nhập các khoa cùng nghề đào tạo. Nhiệm vụ đào tạo các ngành sư phạm chuyển giao cho Trường ĐH Quy Nhơn thực hiện. Quy mô đào tạo tăng dần lên khoảng 5.937 sinh viên, học sinh, học viên; trong đó trình độ cao đẳng 1.647 người, trình độ trung cấp 1.925 người, trình độ sơ cấp 2.245 người.
Trong định hướng các nghề trọng điểm đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo, cấp độ quốc tế gồm 4 nghề: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp và Hướng dẫn du lịch; cấp độ khu vực ASEAN gồm 4 nghề: Hàn, Cắt gọt kim loại, Quản trị khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn; cấp độ quốc gia gồm 4 nghề: Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), Chế biến và bảo quản thủy sản, Nghệ thuật biểu diễn dân ca.
Đề án sáp nhập Trường CĐ KTCN Quy Nhơn và Trường CĐ Bình Định thành Trường CĐ KTCN Bình Định sẽ được hoàn chỉnh, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH để xem xét, quyết định sáp nhập theo thẩm quyền.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, đây là hoạt động cần thiết, thực hiện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, về cơ bản chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập, hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, phù hợp với khả năng của ngân sách và khả năng huy động nguồn lực của xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Nguồn: Báo Bình Định