CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Đậm tình phiên chợ đầu xuân
Chủ nhật 26/01/2020 15:40
Không đợi đến Tết, mà tự những ngày chớm xuân, mọi người đã í ới hẹn nhau trẩy hội Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Chợ Gò, phiên chợ chỉ nhóm 1 lần duy nhất trong năm vào ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán, là nơi để người ta xin lộc, cầu may, cũng là nơi nam thanh nữ tú xúng xính trẩy hội cầu duyên.

Du khách trẩy hội, mua trầu cau.

Phiên chợ của nụ cười

Theo các vị cao niên trong vùng, sở dĩ phiên chợ có tên là Chợ Gò vì ngày trước, nơi đây là gò đất cao nằm dưới chân núi Hàm Long, bên cạnh bến đò Trường Úc. Lúc đó, nơi đây là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Ngày xuân, để giúp quân sĩ vơi nỗi nhớ nhà, các tướng triều Tây Sơn cho nhóm chợ để người dân và binh lính mua bán, vui chơi.

Trải qua thời gian, phiên chợ không còn hoặc nhóm không thường xuyên, đến những năm 90 của thế kỷ XX, Chợ Gò được tổ chức đều đặn trở lại. Không như những phiên chợ bình thường khác, người bán, người mua thường đến chợ rất sớm. Tờ mờ sáng, khi mặt trời còn e ấp, người ta còn dùng đèn để soi đường, Chợ Gò đã rộn ràng người bán, người mua.

Người trẻ cũng trẩy hội xin lộc.

Nếu thường xuyên trẩy hội Chợ Gò, hẳn mọi người sẽ nhận ra những gương mặt thân quen đã gắn bó nhiều năm với phiên chợ xuân này. Khi thăm hỏi cụ Đào Thị Chơn (82 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước) về Chợ Gò, bà liền chia sẻ: "Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò/ Chợ Gò là chợ hẹn hò… Tôi bán trầu cau ở đây đã 37 năm, dù thời gian qua đi, chương trình lễ hội cũng phong phú, đa dạng hơn nhưng đây vẫn là phiên chợ không không trả giá, cũng không móc túi cướp giật. Đây là phiên chợ của nụ cười và niềm vui".

Sản vật bày bán ở đây đều tươi ngon.

Không chỉ gắn bó lâu năm như cụ Chơn mới có tình cảm đặc biệt với phiên chợ nhiều đến thế, mà những người lần đầu đặt chân đến đây cũng có cái nhìn trìu mến không kém. Có thể nói, năm nay, Chợ Gò được "trẻ hóa" nhiều. Không chỉ có những người lớn tuổi mà nhiều nam thanh nữ tú cũng tham gia trẩy hội, mua bán trầu cau. Anh Nguyễn Trung Tín (27 tuổi, nhà ở Gia Lai), chia sẻ: Năm nay tôi về Quy Nhơn ăn Tết cùng nội, được biết Mùng 1 có Lễ hội Chợ Gò để xin lộc đầu năm nên tôi cùng gia đình đi chợ du xuân. Đây là lễ hội rất ý nghĩa và không chỉ có trầu cau, hàng hóa bày bán ở đây đều tươi ngon và thích mắt.

Tiết mục chào xuân rộn ràng.

Hay như bà Phan Thị Trinh (61 tuổi, ở thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa, TX An Nhơn), lần đầu bán trầu cau tại Chợ Gò, cho biết: "Tui đã nhiều lần tham dự Lễ hội Chợ Gò và cảm thấy yêu thích phiên chợ này, do vậy năm nay tôi quyết định làm "người trao lộc". Để có chỗ ngồi đẹp tôi phải đi từ sớm. Thật vui vì nhiều người trẻ cũng tham gia và nhận lộc".

Một tiết mục đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Thêm vui tươi, thêm rộn ràng

Không chỉ có hoạt động mua bán xin lộc đầu năm, từ 7 năm nay, phiên chợ có thêm phần lễ do UBND huyện Tuy Phước tổ chức, từ đó cũng thu hút được nhiều du khách hơn. Sau khi trẩy hội xin lộc, người dân và du khách còn được xem các tiết mục chào xuân mới đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống như hát bội, bài chòi, võ thuật, múa lân… đan xen là những tiết mục sôi động do các em học sinh biểu diễn. Mặc dù khán đài không quá lớn nhưng có lẽ đã thành nếp, người dân ngồi trật tự, ngay ngắn cùng nhau xem các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn.

Người dân sau khi trẩy hội, xin lộc thì xem các tiết mục ở chương trình nghệ thuật chào xuân mới.

Tiếp đó, mọi người di chuyển sang hội đánh bài chòi dân gian. Để được thượng chòi đầu tiên, nhiều người đã ngồi sẵn từ sớm. Chị Nguyễn Thu Lệ (36 tuổi, ở Quy Nhơn), vui vẻ chia sẻ: Nhiều năm nay, cứ đầu năm gia đình tôi sẽ tham gia Lễ hội Chợ Gò cầu may và nghe bài chòi dân gian. Tôi thấy chưa năm nào Hội đánh bài chòi dân gian ở nơi đây vơi khách".

Bài chòi ở Lễ hội Chợ Gò.
 
Không chỉ có trầu cau, Chợ Gò còn bán những sản vật "may mắn" khác như: Rau muống, đu đủ, muối… Bên cạnh đó, để phục vụ cho những du khách đi sớm chưa kịp ăn sáng, Chợ Gò có thêm những hàng quán bán đồ ăn, nước uống. Đông khách nhất là những hàng quán bán thức ăn chay.

 

Du khách tham gia Hội đánh bài chòi dân gian.

Đầu năm du xuân, trẩy hội, nhiều du khách cho biết, từ Chợ Gò đến tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp), rồi đến Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận) sau đó về Quy Nhơn khá gần và tiện đường nên Mùng 1 dành để du xuân ở huyện Tuy Phước. Trong không khí xuân chộn rộn, vui tươi, nhiều người tham gia Lễ hội Chợ Gò còn vui mừng khi nghe UBND huyện Tuy Phước thông báo Sở VH&TT và huyện đã phối hợp thực hiện hoàn tất hồ sơ để năm 2020 đề xuất ghi danh Lễ hội Chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nguồn Báo Bình Định