Ngày 1.4, hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn dồi dào, nhất là lương thực thực phẩm thiết yếu.
Tạm dừng nhiều hoạt động
Phó Giám đốc Sở GTVT Đặng Văn Ái cho biết đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh dừng hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh và ra ngoài tỉnh kể từ ngày 1.4. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các DN, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Ngay sau lệnh "giới nghiêm", tại bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, hoạt động vận tải hành khách đã tạm ngừng, các xe đều nằm bến. Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định cho biết, tại bến xe khách trung tâm Quy Nhơn có hơn 60 DN vận tải trong và ngoài tỉnh với hơn 450 đầu xe khai thác các tuyến vận tải. Đơn vị đã làm việc với các DN vận tải để thông báo quy định dừng tất cả hoạt động vận chuyển hành khách.
Để giám sát hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết đã tổ chức 4 đội thanh tra giao thông phụ trách các địa bàn tiến hành rà soát lại toàn bộ và kiểm tra tất cả các bến xe, các tuyến đường trong phạm vi địa bàn phụ trách, xử lý hoạt động vận chuyển khách của các phương tiện. Báo cáo từ các đội cho thấy, ý thức tuân thủ của các DN kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh khá tốt, chưa có phương tiện nào di chuyển trên đường bị phát hiện, phương tiện chạy hợp đồng cũng tạm dừng hoạt động.
Đối với hoạt động vận tải khách đường sắt, ông Nguyễn Phúc Tích, Đội trưởng khách hóa vận Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt Diêu Trì (thuộc ga Diêu Trì) cho hay, từ ngày 1.4, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ còn duy trì hoạt động duy nhất đôi tàu SE3, SE4 từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Lượng khách lên tàu tại ga Diêu Trì cũng giảm mạnh, không quá 20 người/ngày. Hoạt động kiểm soát, khai báo y tế toàn bộ hành khách đi và về ga đều được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt quản lý chặt chẽ khách nước ngoài. Phương tiện taxi đón - đưa khách, quầy hàng ăn uống và dịch vụ tại ga cũng tạm ngừng hoạt động.
Chỉ được bán hàng mang đi
Tối 1.4, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 đã có văn bản gửi CA tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai hướng dẫn việc đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế tụ tập đông người ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn (cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, quán giải khát, nhà hàng, khách sạn, căng tin cơ quan, bệnh viện, thức ăn đường phố).
Theo đó, từ nay đến ngày 15.4, không tổ chức phục vụ cho khách ăn, uống tại chỗ; chỉ được bán hàng mang đi hoặc đặt hàng, bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà. Thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Phải bảo đảm nhân viên phục vụ đeo khẩu trang, đeo găng tay, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người và người, bảo đảm an toàn khi giao nhận hàng.
Cơ sở chế biến suất ăn cung cấp cho nơi khác, bếp ăn tập thể của các công ty, xí nghiệp phải có biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cho người ăn (nơi rửa tay với xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay…), bố trí số lượng người sử dụng suất ăn trong cùng thời điểm phù hợp để bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m giữa 2 người ăn.
Trong khi đó, địa bàn TP Quy Nhơn tập trung đông dân, việc thực hiện các quy định cấm tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19 càng trở nên cấp bách. Chiều tối 1.4, tại các công viên và tuyến ven biển dọc đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn), không còn cảnh người dân tụ tập vui chơi, tắm biển. Lác đác số ít trường hợp người dân đi bộ, tập thể dục đều được nhắc nhở về nhà. Bà Tạ Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ cho biết, phường đã huy động toàn bộ lực lượng chức năng lập 6 chốt chặn dẫn ra biển và các công viên để nhắc nhở người dân tạm ngừng hoạt động tập trung đông người và tắm biển từ ngày 1.4.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng VH-TT kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, thành phố đã tạm dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trên tuyến công viên, bờ biển. "Sau khi các cơ sở vui chơi giải trí ngưng hoạt động, chúng tôi tập trung tuyên truyền và triển khai các giải pháp hạn chế tập trung đông người; đặc biệt, từ ngày 1 - 15.4, lập các chốt chặn ra quân đồng loạt tại các quảng trường Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành, Chiến Thắng, khu tập thể dục hồ sinh thái Đống Đa, dọc tuyến biển trên đường An Dương Vương và Xuân Diệu", ông Tiến nói.
Cung ứng đủ nhu yếu phẩm
Phản ứng ngay sau lệnh cách ly toàn xã hội thực hiện từ 0 giờ ngày 1.4, lượng khách hàng đổ đến các chợ, siêu thị trong tỉnh để mua sắm đông hẳn. Đến cuối giờ chiều 31.3, tại một số chợ, siêu thị đã xảy ra tình trạng quá tải tạm thời. Tuy nhiên, các siêu thị đã có kịch bản toàn diện để ứng phó với các tình huống dịch bệnh nên hoàn toàn chủ động. Các siêu thị mở loa phát thông báo khẳng định mở cửa hoạt động bình thường nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Ngày 1.4, ghi nhận tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, các mặt hàng tươi sống, lương thực thực phẩm được lắp đầy các kệ, nhân viên túc trực và liên tục bổ sung hàng để người dân thoải mái lựa chọn. Siêu thị liên tục phát loa thông báo người dân không quá lo lắng, chỉ mua đủ thực phẩm dùng cho gia đình. Nguồn cung hàng hóa của siêu thị vẫn rất dồi dào và ổn định. Ông Nguyễn Danh Nhân, Giám đốc siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, cho biết: "Siêu thị dự trữ lượng hàng với hơn 10 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu lượng hàng này bán hết, trong vòng 12 - 16 giờ, siêu thị cung ứng đầy đủ. Những ngày tới, chúng tôi cam kết vẫn mở cửa hoạt động cho đến vị khách cuối cùng trong ngày, nên người dân không có gì lo lắng".
Thông tin thêm về việc phân phối hàng hóa thiết yếu, các siêu thị trong tỉnh như Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Co.opFood Tăng Bạt Hổ, Big C, MM Mega Market… đều có phương án tăng trữ lượng hàng hóa so với trước đây. Để đảm bảo an toàn, các đơn vị đã tiến hành khử trùng toàn bộ cơ sở vật chất, trang bị khẩu trang, nón bảo hộ chống dịch cho tất cả các nhân viên; đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay đối với khách hàng trước khi vào mua sắm. Để tránh tình trạng tập trung quá đông khách hàng trong thời điểm dịch, siêu thị bố trí vạch màu xanh tại quầy thu ngân nhằm giữ an toàn cho khách hàng trong lúc chờ đợi tới lượt thanh toán.
Tạm ngừng hoạt động tiêm chủng trong 15 ngày
Sở Y tế chỉ đạo khẩn các đơn vị trực thuộc, BVÐK tỉnh - phần mở rộng, BVÐK Hòa Bình tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, nhấn mạnh thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng tránh lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế không bị nhiễm bệnh Covid-19; dừng ngay việc thăm người bệnh, mỗi người bệnh chỉ được một người chăm sóc; đảm bảo cung cấp thực phẩm, tuyệt đối không để bất cứ bệnh nhân nào thiếu ăn trong khi điều trị. Yêu cầu khai báo y tế bắt buộc tất cả bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân, người thực hiện dịch vụ vệ sinh, bán hàng tạp hóa, căng tin trong khuôn viên cơ sở y tế. Từ nay đến ngày 15.4, tạm thời dừng hoạt động tiêm chủng trên toàn tỉnh.
Các đơn vị y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, phòng khám đa khoa tư nhân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Sở sẽ xử lý, đình chỉ hoặc đình chỉ tạm thời, rút giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: "Sở đã lên phương án cụ thể với từng kịch bản dịch bệnh để cung ứng hàng hóa phù hợp với diễn biến thực tế. Một số người dân có tâm lý lo ngại nhưng tôi bảo đảm đến thời điểm này, các DN bình ổn lẫn DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang dự trữ, cung ứng lượng hàng vượt ít nhất 30 - 40% nhu cầu tiêu thụ. Lượng hàng hóa này đủ cung ứng cho thị trường Bình Định trong vòng 60 - 90 ngày. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm".
Trong khi đó, để đảm bảo an sinh xã hội, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang cho biết, ngay trong ngày 1.4, Sở tập trung rà soát tất cả 6 nhóm đối tượng có khả năng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đó là các nhóm: Hộ nghèo, cận nghèo; người đang hưởng trợ cấp xã hội, đối tượng yếu thế; lao động làm việc theo chế độ hợp đồng trong các DN bị tác động của dịch phải thu hẹp sản xuất hoặc dừng sản xuất nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng hoạt động do dịch; lao động tự do; và nhóm đối tượng người có công hoạt động kinh doanh, nhưng bị tác động bởi dịch. Công tác rà soát đang thực hiện rất khẩn trương để báo cáo lên Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh vào cuối tuần này để có giải pháp kịp thời hỗ trợ cho người dân.
Nguồn Báo Bình Định