CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
Thứ tư 19/08/2020 16:18
Sau 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các địa phương, đơn vị.

Tổ chức bộ máy phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn. Đến nay, cấp tỉnh và 11/11 huyện, thị xã, thành phố; 159/159 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Việc ban hành và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người nhiễm HIV và đội ngũ nhân lực trực tiếp tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đầy đủ, kịp thời. Chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng được nâng cao. Các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị và nhân lực để triển khai các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung cấp các dịch vụ phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, cùng với hệ thống y tế công lập từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng đa dạng cho nhân dân và phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.

Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng triển khai thực hiện. Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về nguy cơ, các đường lây nhiễm, quyền, nghĩa vụ của người nhiễm và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện thường xuyên. Các hình thức tuyên truyền được đầu tư đổi mới, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú trọng đến những đối tượng dễ bị lây nhiễm, người trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ vị thành niên, học sinh... Trung bình mỗi năm có 40 lượt phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; 20 bài viết trên Báo Bình Định; 150 lượt phát sóng trên đài truyền thanh huyện; 1.200 lượt phát thanh trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn và 600 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện.

Với sự chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hoạt động truyền thông, tuyên truyền trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hầu hết mọi người dân đều hiểu và nắm được những kiến thức cơ bản về dự phòng HIV/AIDS để tự phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế việc lây nhiễm HIV trong xã hội. Phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư", Tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS được cán bộ, công chức và đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao được giáo dục tuyên truyền tích cực; nhờ vậy, nhiều đối tượng ma túy, mại dâm sau khi được cai nghiện, giáo dục đã thay đổi hành vi để phòng lây nhiễm HIV, trở thành tuyên truyền viên tham gia tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã không còn phức tạp, gay gắt. Bên cạnh đó, một số địa phương có người nhiễm HIV/AIDS sống trên địa bàn đã động viên, giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm vượt qua khủng hoảng hòa nhập cộng đồng và an tâm lương thiện làm ăn, tránh những hành vi làm lây truyền HIV/AIDS cho người khác. Con em của người nhiễm đều được đến trường học tập. Nhiều mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng được xây dựng và phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như: nhóm giáo dục đồng đẳng; câu lạc bộ phụ nữ, câu lạc bộ thanh niên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư"; tổ chức điểm cung cấp tài liệu truyền thông và bao cao su miễn phí...

Cán bộ y tế tư vấn cho người dân về cách phòng, chống HIV/AIDS

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được chú trọng; công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể được quan tâm thực hiện. Người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng; người nhiễm HIV/AIDS luôn được chia sẻ, cảm thông và  ngày càng được tạo những điều kiện tốt nhất về tư vấn, chăm sóc và điều trị.

                                               

Diệu Hiền