XU THẾ ỨNG DỤNG HỌC TẬP TRÊN THIẾT BỊ DI ĐỘNG
Sự phát triển của các thiết bị sử dụng công nghệ số, trong đó có các thiết bị di động thông minh trong hai thập niên qua đã mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến nghị các nước có chính sách thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ công nghệ thông tin, thiết bị viễn thông nhằm mở rộng học tập trực tuyến. Ở Anh, Đan Mạch và Hà Lan, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số sáng kiến để thúc đẩy việc học tập trên thiết bị di động. Chính phủ Anh đã khởi xướng các chương trình học tập di động cho giáo dục cấp tiểu học, trung học và hợp tác với các công ty viễn thông để cung cấp công nghệ di động cho sinh viên đại học. Hà Lan không có chiến lược quốc gia về học tập trực tuyến trên thiết bị di động, nhưng họ có nhiều nỗ lực đầy hứa hẹn để phát triển học tập online trong giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và đại học. Việc phổ biến học tập trên thiết bị di động cũng được phát triển ở Nga và Ukraina. Ukraina có sáng kiến cho học sinh làm quen với việc học trên thiết bị di động trong các trường học. Nhật Bản, Bangladesh và Hàn Quốc đã triển khai các dự án học tập di động quy mô lớn quốc gia với chính sách tạo điều kiện sử dụng thiết bị di động trong giáo dục. Chiến lược xúc tiến giáo dục thông minh ở Hàn Quốc đã tích hợp các thiết bị di động vào môi trường học đường hàng ngày nhằm chuẩn bị cho học sinh, sinh viên môi trường học tập trong tương lai.
Xem xét hiện trạng học tập trên thiết bị di động trên toàn cầu, có thể thấy tỷ lệ chấp nhận học tập trên thiết bị di động không như nhau ở các quốc gia. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể như: Trước hết, các nước chưa có các chính sách giáo dục cấp quốc gia để triển khai ứng dụng học tập trên thiết bị di động, trong đó, cần việc sử dụng thiết bị di động phù hợp như một phần của quá trình giáo dục hàng ngày. Hai là, sự lo ngại về vấn đề sức khỏe và tâm lý của đối tượng áp dụng học tập trên thiết bị di động. Ở tất cả các khu vực được xem xét, ý nghĩa tích cực của việc học trên thiết bị di động đã được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, cũng không ít những lo ngại liên quan tới việc lạm dụng điện thoại di động trong lớp, vấn đề an ninh, tiếp xúc của học sinh với các môi trường có chứa tài liệu không phù hợp, với các hành vi bạo lực, tình dục, hành vi gian lận tiềm ẩn trong kỳ thi ở trường… Ba là, những hạn chế về phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ. Do chi phí triển khai các sáng kiến di động, đặc biệt là các thực tiễn giáo dục mở ở mức cao nên đã hạn chế việc áp dụng học tập di động. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ những đối tượng, tầng lớp có thu nhập thấp, hoặc xuất phát từ nguồn gốc xã hội khác nhau nên chưa bảo đảm được tính công bằng trong khả năng tiếp cận của sinh viên truy cập điện thoại di động hiện đại như smartphone. Ngoài ra, còn có hạn chế theo định hướng công nghệ trong phạm vi phủ sóng bởi các mạng 3G hoặc 4G. Hơn nữa, việc sẵn có của một số lượng lớn các chuẩn và hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình, định dạng âm thanh, video, kích thước và độ phân giải màn hình ở các khu vực cũng khác nhau nên cũng là nhược điểm cho việc học tập trên thiết bị di động.
Bên cạnh đó còn nguyên nhân xuất phát từ thiếu nguồn nhân lực chuyên môn để triển khai được đồng bộ; các yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững liên quan của thiết bị học tập di động như: tuổi thọ pin, khả năng sử dụng giao diện, bộ nhớ thiết bị, phần cứng hoặc kích thước màn hình, bàn phím nhỏ khó đánh máy và các vấn đề bảo mật, cũng được liệt kê trong số các nguyên nhân hạn chế phổ biến nhất cho học tập trên thiết bị di động.
VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Việc học tập trên thiết bị di động là trên một nền tảng tổ chức, chia sẻ và lưu trữ thông tin, kiến thức một cách rất hệ thống khác với lớp học truyền thống vốn bắt buộc mọi người cùng học ở một thời điểm và vị trí, với cùng một tốc độ như nhau. Bên cạnh đó là việc minh bạch và chuẩn hóa chất lượng bài giảng, khi các nội dung giảng dạy được xây dựng và đưa lên hệ thống. Giáo viên từ đó có thể liên tục cải tiến chất lượng, nhà trường cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý và đảm bảo chất lượng. Tiếp nữa, học tập trên thiết bị di động cũng học sinh tiết kiệm chi phí tài chính, thời gian, nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức. Đối với nhà trường, chi phí quản lý và tổ chức lớp học cũng giảm đáng kể. Học viên ở nông thôn vùng sâu, vùng xa đều có thể tham gia các lớp học và khai thác dữ liệu học tập trên các thiết bị di động….
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI và Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh cần "…tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Chuyển cách dạy - học truyền thống trực tiếp trên lớp sang các phương thức học tập đa dạng: hỗn hợp/pha trộn, trực tuyến toàn bộ, lớp học đảo ngược..... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và cách tiếp cận công nghệ sự phạm mới vào dạy và học". |
Việt Nam hiện nay với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, 2 triệu nhà giáo các cấp học, cùng tốc độ phổ biến của Internet và mức độ sử dụng thiết bị di động tăng cao, đã cho thấy sự cần thiết phải quan tâm tới việc học tập trên nền tảng công nghệ thiết bị di động; đặc biệt, trong thời điểm có những khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh như COVID-19. Vì vậy, việc chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo nhanh chóng đưa hình thức dạy - học trực tuyến đại trà trên các hệ thống truyền hình và internet toàn quốc; khuyến khích các bên liên quan tiếp tục triển khai nghiên cứu các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật đồng bộ để hỗ trợ bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Xét trên bình diện lâu dài, để bảo đảm được tính bền vững, cần có những giải pháp hữu hiệu, tận dụng được các nguồn lực xã hội; triển khai các chính sách ở tầm vĩ mô cho việc áp dụng thiết bị di động vào mục đích học tập.
Tuy nhiên, việc đề ra chính sách cho dạy học trực tuyến trên các thiết bị di động, hay hình thức dạy và học từ xa ở phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đại học, sau đại học… cần phải có nghiên cứu sâu về công nghệ sư phạm tiên tiến. Song song với đó, là việc đánh giá, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước trong khu vực để chọn lựa phương thức học tập phù hợp với thực tiễn giáo dục của Việt Nam, nhất là phù hợp với đặc điểm vùng, miền và các đối tượng học tập. Từ đó, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kịp thời khắc phục những vấn để tiêu cực nảy sinh trong xã hội ảnh hưởng đến giáo dục và đào tạo.
Để việc triển khai dạy - học trên thiết bị di động được đồng bộ trong hệ thống, chúng ta cũng cần có sự thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá, thay đổi quy trình quản lý giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, phải sớm khắc phục một số rào cản đối với phương thức học tập này, từ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ; có hỗ trợ kỹ thuật từ các bên liên quan; giáo viên, học sinh phải được bồi dưỡng đủ kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để có thể sử dụng phương thức học tập trên thiết bị di động như một công cụ bổ trợ, coi đó như một phương pháp giảng dạy và học chính thay thế phương pháp giảng dạy và học mặt đối mặt truyền thống trên lớp đang áp dụng trong nhà trường hiện nay./.
TS. Lê Thị Mai Hoa/Tạp chí Tuyên giáo