CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh
Thứ sáu 29/05/2020 10:09
Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, 15 năm qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác gia đình, đặc biệt là nhận thức của Nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong giai đoạn hiện nay.

Các cấp ủy, chính quyền coi đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác gia đình vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các ngành, các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực đẩy mạnh thực hiện công tác gia đình. Gắn công tác gia đình với các phong trào thi đua của ngành, tích cực xây dựng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; Hội Người cao tuổi với phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền"; Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân hạnh phúc"; Hội Cựu chiến binh với phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu"... Nhờ đó, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về đời sống gia đình cũng được các cấp, các ngành đẩy mạnh. Hàng năm, các ngành, hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tuyên truyền, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, các hội thi, hội diễn, tăng cường đăng tải các bài viết tuyên truyền, giáo dục về đời sống gia đình đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về đời sống gia đình được tổ chức nhân các ngày kỷ niệm về gia đình như: ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6). Trong 15 năm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 50.000 buổi tuyên truyền, thu hút 1.250.000 lượt người tham gia; biên soạn, cấp phát 4.500 cuốn tài liệu hỏi đáp; đăng tải 30.000 tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình… Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh.

Hoạt động tuyên truyền nhân ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa và thực hiện hương ước, quy ước thôn, khu phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đến nay, hầu hết thôn, khu phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy ước, hương ước; trong đó, các nội dung về: xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện chính sách dân số, phòng chống tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan... là những nội dung quan trọng, được cộng đồng dân cư quan tâm thực hiện thường xuyên. Xây dựng "Gia đình văn hóa" ngày càng trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình, đồng thời trở thành tiêu chí trong đánh giá, bình xét thi đua hàng năm ở các địa phương, đơn vị, làng, bản, thôn, xóm, khu phố… Nhờ đó, số hộ gia đình đăng ký xây dựng và phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm đạt từ 90% trở lên so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình, câu lạc bộ gia đình điển hình, tiêu biểu được xây dựng và nhân rộng. Hiện toàn tỉnh có 255 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, như: Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc", Câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững", Câu lạc bộ "Gia đình an toàn cho trẻ em", Câu lạc bộ "Gia đình không sinh con thứ 3 trở lên"; Câu lạc bộ "Bà mẹ nuôi con giỏi, Câu lạc bộ/tổ/nhóm phụ nữ hùn vốn, tương trợ, tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… Các mô hình, câu lạc bộ gia đình điển hình, tiêu biểu đã tạo sự lan tỏa trong xã hội, góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình, phát huy giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình được quan tâm, nhất là các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ gia đình tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế. Tăng cường công tác phổ biến ứng dụng công nghệ mới cho sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ vật tư, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề trên địa bàn tỉnh đạt 56% so với tổng lao động toàn xã hội; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Huy động tốt các nguồn lực đầu tư cho công tác xóa đói giảm nghèo; quan tâm hỗ trợ về nhà ở, cứu trợ, trợ cấp khó khăn đột xuất cho hộ nghèo, hộ khó khăn; chăm lo cho gia đình chính sách;… Trên địa bàn tỉnh hiện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, còn 3,43%. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nên kinh tế hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có bước phát triển khá.

Có thể khẳng định rằng, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh trong 15 năm qua đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của từng gia đình trên địa bàn tỉnh được cải thiện; người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sạch, thông tin ngày càng cao. Gia đình thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

                                                                                                      Ngọc Hà