CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Khai báo y tế chống dịch Covid-19: Trách nhiệm khai báo trung thực của người dân
Thứ năm 12/03/2020 08:47
Không chỉ bắt buộc khai báo y tế với người nhập cảnh từ các nước vào Việt Nam, thực hiện khai báo y tế toàn dân cũng được triển khai cho cộng đồng. Th.S Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẳng định, thực hiện khai báo y tế và khai báo trung thực là cần thiết để kiểm soát dịch Covid-19, bảo vệ bản thân, cộng đồng, cũng là thể hiện trách nhiệm công dân.

● Khai báo y tế được triển khai áp dụng theo các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Với dịch Covid-19, khai báo y tế đã được triển khai với nhiều cấp độ, liên tục, vì sao thưa ông?

- Trước đây, chúng ta đã triển khai khai báo y tế đối với những người nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh bắt buộc phải khai báo y tế theo quyết định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mức độ khai báo y tế tăng lên. Cuối tháng 1.2020, giai đoạn đầu của dịch, Bộ Y tế ra quyết định thực hiện khai báo y tế với hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc. Đến tháng 2, dịch phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc lần lượt với khách nhập cảnh từ Hàn Quốc, Italy, Iran, các nước thuộc cộng đồng châu Âu và Campuchia. Đến nay, tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế điện tử.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định không được che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật đối với tất cả mọi người.

Cùng với quy định khai báo y tế, Bộ Y tế đã tích hợp vào phần mềm báo cáo dịch bệnh việc thực hiện công tác thống kê, báo cáo, quản lý số liệu, giám sát dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, triển khai ứng dụng phần mềm sức khỏe Việt Nam trên điện thoại di động để người dân có thể cập nhật dịch và cung cấp các thông tin nguy cơ, cũng như tình trạng nhiễm Covid-19 của bản thân - đây cũng có thể xem là một hình thức khai báo y tế toàn dân. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu để triển khai thực hiện trên toàn tỉnh.

Kiểm soát xuất, nhập cảnh và khai báo y tế hành khách tại Cảng Hàng không Phù Cát.

● Hiện nay, việc thực hiện khai báo y tế của Bình Định được thực hiện như thế nào?

- Đối với Bình Định, trước đây chúng ta chỉ có một cửa khẩu là cảng biển Quy Nhơn, nên chỉ thực hiện kiểm dịch y tế tại đây. Đến tháng 1.2020, khi Cảng Hàng không Phù Cát đón các chuyến bay quốc tế từ Hàn Quốc - Quy Nhơn và ngược lại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tổ chức 2 tổ kiểm dịch y tế quốc tế và triển khai khai báo y tế cho tất cả hành khách nhập cảnh từ các nước vào sân bay Phù Cát, cũng như Cảng Quy Nhơn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đến tháng 2, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuyến bay quốc tế dừng khai thác tại sân bay Phù Cát thì việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh cũng dừng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đầu tháng 3 này, CDC triển khai 6 tổ luân phiên giám sát thân nhiệt toàn bộ khách đến tại ga quốc nội của Cảng Hàng không Phù Cát, trường hợp khách có biểu hiện sốt thì thực hiện điều tra dịch tễ như một khai báo y tế trước khi chuyển về cơ sở y tế cách ly điều trị. Hiện, Bình Định chưa có ca bệnh Covid-19 nên ưu tiên số 1 là kiểm soát nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào.

Tổ kiểm dịch y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại Cảng Quy Nhơn tiến hành kiểm tra sức khỏe và lập tờ khai y tế đối với thuyền viên tàu hàng tại phao số 0 đối với các tàu hàng đến từ các nước có dịch Covid-19.

● Theo quy định từ ngày 10.3 triển khai thực hiện khai báo y tế toàn dân, vậy người dân sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế để có thể triển khai khai báo y tế toàn dân về tận y tế cơ sở, tới tất cả mọi người dân. Khai báo y tế toàn dân nhằm cung cấp thông tin và tương tác hai chiều giữa từng người dân và cơ quan y tế, cơ quan chức năng. Thông tin khai báo y tế sẽ được lưu giữ trên hệ thống mạng để cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch đến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ (liên quan ca bệnh Covid-19, tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch...). Từ những thông tin được cập nhật, cơ quan y tế địa phương sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết.

Trước đây việc khai báo dịch bệnh, những người nghi mắc bệnh truyền nhiễm cũng đã được thực hiện theo hình thức người dân khai báo trực tiếp hoặc gọi điện đến cơ sở y tế địa phương. Và, như tôi đã nói ở trên, Bộ Y tế cũng đang triển khai phần mềm sức khỏe Việt Nam - cũng là một hình thức của khai báo y tế toàn dân.

● Thời gian qua, đã có một số ít trường hợp dương tính với Covid-19 ở một số địa phương trong cả nước, với kết quả điều tra cho thấy "lọt" ngay từ khâu khai báo y tế…

- Phải khẳng định rằng, không có một biện pháp nào triệt để kiểm soát dịch, nên bắt buộc phải thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, biện pháp đầu tiên là việc kiểm soát ngay từ đầu vào qua kiểm dịch y tế; giám sát tại cơ sở khám chữa bệnh thông qua công tác giám sát, sàng lọc, phân luồng ca bệnh có biểu hiện ho, sốt, khó thở… để tiếp tục điều tra dịch tễ để xác định ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19. Đặc biệt, rất quan trọng khâu giám sát tại cộng đồng, chính quyền và y tế cơ sở. Ngay cả khi triển khai thực hiện khai báo y tế toàn dân thì vẫn phải đồng bộ khai báo y tế trực tiếp cho cơ sở. Do đó, phải khẳng định rằng, ý thức của người dân là vô cùng quan trọng, đặc biệt các thông tin khai báo y tế phải hoàn toàn chính xác.

● Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Bình Định