CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ, HIỆU LỰC CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN
Thứ năm 03/09/2020 09:31
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhiều chính sách, pháp luật được ban hành nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh mạng. Đến nay, kết cấu hạ tầng viễn thông ở nước ta được xây dựng khá đồng bộ; kinh tế số được hình thành và phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Công nghệ số được áp dụng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; việc triển khai chính phủ điện tử được thực hiện quyết liệt, bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2019, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông của Việt Nam đã tăng từ hạng 95 (năm 2018) lên hạng 41 trên thế giới.

Tại tỉnh ta, trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế", nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin ngày càng được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực như công tác quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp… mang lại hiệu quả tích cực. Tỉnh đã xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước trên địa bàn; thành lập Ban chỉ đạo công nghệ thông tin tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các cấp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Thực hiện công khai các thủ tục hành chính trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tìm hiểu, nắm bắt và áp dụng; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về quản lý, sử dụng chữ ký số, sử dụng hệ thống văn phòng điện tử liên thông. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng và đưa vào vận hành tại địa chỉ: http://dichvucong.binhdinh.gov.vn. Đến nay, đã cung cấp đến người dân và doanh nghiệp 261 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các nhà đầu tư liên hệ và thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần đáng kể vào việc cải cách thủ tục hành chính.

Riêng đối với cấp huyện và cơ sở, trong thời gian qua, công tác xây dựng Văn phòng điện tử liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với cải cách hành chính được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trong tỉnh đã triển khai hệ thống Văn phòng điện tử kết nối liên thông với Ủy ban nhân dân tỉnh và phần mềm quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ. Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ và hoạt động ổn định tại tên miền: http://mail.tencoquan.binhdinh.gov.vn. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều được tạo lập tài khoản thư điện tử và thực hiện giao dịch công tác với các cơ quan, đơn vị thông qua các tài khoản này. Nhờ vậy, việc trao đổi, lưu trữ và xử lý văn bản điện tử được các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan và giữa các cơ quan ngày càng chiếm tỷ lệ cao, đem lại nhiều hiệu quả tích cực so với việc trao đổi văn bản giấy.

Hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai tại 13 điểm cầu của tỉnh, kết nối từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố đã phát huy hiệu quả cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử; thường xuyên cập nhật các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, phản ánh tình hình hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh. Việc cung cấp dịch vụ internet băng rộng, chất lượng cao đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã được quan tâm triển khai thực hiện. Đã có 100% các xã, phường, thị trấn và cơ sở giáo dục trong tỉnh được kết nối internet băng rộng. Tỷ lệ thuê bao đường truyền FTTH ngày càng tăng và được xem là nhu cầu sử dụng thiết yếu đối với mỗi hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc triển khai mạng 4G cùng với những loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác sử dụng các ứng dụng, các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp hoặc tham gia thương mại điện tử một cách nhanh chóng, thuận lợi qua các thiết bị thông minh.

Bên cạnh đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và nhà nước đã được đưa vào sử dụng. Đến nay, 100% các huyện, thị, thành ủy đã thực hiện kết nối mạng thông tin diện rộng của Tỉnh ủy qua đường truyền cáp quang trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng (không kết nối Internet); các phần mềm dùng chung như: Hệ thống Văn phòng điện tử, Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống theo dõi thực hiện ý kiến chỉ đạo và Hệ thống giao ban trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở cũng đã được xây dựng và sử dụng. Nhờ vậy, việc khai thác sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung và trao đổi, gửi/nhận thông tin, dữ liệu công việc hàng ngày giữa lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương ở cả ba cấp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo an toàn thông tin…

Với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng nhanh, sâu rộng; việc áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Bên cạnh đó, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra cơ hội và thách thức mới cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh đó, tỉnh ta xác định nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là cần thiết; trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2025: 100% thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ sở được phổ biến đến người dân; 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống thông tin cơ sở; 100% nội dung thông tin thiết yếu từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để tuyên truyền, phổ biến đến người dân được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn.

                                                                              Ngọc Hà