CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Sức hút từ triển lãm lịch sử trực tuyến
Thứ tư 30/08/2023 07:36

Chiều 28.8, Sở Nội vụ phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức Lễ công bố Triển lãm trực tuyến “Bình Ðịnh theo dòng lịch sử”. Lần đầu tiên ở tỉnh có triển lãm theo hình thức này, với nhiều tài liệu, tư liệu phong phú và giá trị trưng bày trên không gian 3D đầy mới mẻ.

Theo bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, tỉnh Bình Định chọn phương án triển lãm trực tuyến, sử dụng công nghệ triển lãm ảo 3D đã thể hiện sự đổi mới, tạo sự cuốn hút đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng. Trung tâm đầu tư nhiều công sức phối hợp thực hiện để có thể kể câu chuyện hấp dẫn về vùng đất có nhiều dấu ấn, dấu tích lịch sử, di sản văn hóa như Bình Định.

“Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất mà chúng tôi phối hợp với một địa phương thực hiện trên nền tảng trực tuyến. Qua đó, chúng tôi hy vọng có thể làm mẫu để các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, địa phương khác học hỏi. Triển lãm cũng cần được đưa vào trong trường học vì mang tính giáo dục cao về truyền thống văn hóa - lịch sử”, bà Hoài cho biết.

Dự Lễ công bố Triển lãm trực tuyến “Bình Định theo dòng lịch sử” ngày 28.8, đại biểu trải nghiệm xem Triển lãm trên màn hình cảm ứng.   Ảnh: H.THU

Triển lãm thực hiện trên không gian 3D độc đáo, đưa mọi người khám phá vùng đất Bình Định theo dòng lịch sử qua ba phần: Từ cội nguồn văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa; Từ phủ Hoài Nhơn đến trọng địa phía Nam Kinh thành; Từ mảnh đất “thành đồng” Duyên hải Nam Trung bộ đến điểm sáng hội nhập, phát triển. Qua đó, giới thiệu đến công chúng 400 tài liệu, tư liệu đặc sắc được lựa chọn từ hàng nghìn trang tài liệu, tư liệu sưu tầm của các Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II, III, IV; Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Kinh thành; Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng tỉnh, Hội VHNT tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn...  

Trong phần I, người xem được giới thiệu về Bình Định - vùng đất từng là kinh kỳ, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc Chămpa ở miền Trung Việt Nam, hiện còn để lại hệ thống di sản văn hóa Chămpa trên địa bàn tỉnh phong phú, đa dạng và độc đáo, gồm thành lũy, đền tháp, điêu khắc, cảng thị và các khu sản xuất gốm.

Phần II ngoài tập trung làm nổi bật hào khí Tây Sơn, còn giới thiệu khối tài liệu lưu trữ đồ sộ hiện bảo quản tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, diện mạo của vùng đất Bình Định được góp phần soi tỏ. Kể từ khi Vua Lê Thánh Tông sáp nhập vùng đất Chiêm Thành vào cương thổ Đại Việt (1471) đến khi trở thành trọng địa phía Nam Kinh thành dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), vùng đất Bình Định đã qua nhiều biến thiên, tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc.

Người dân có thể theo dõi Triển lãm tại  các website, fanpage củe Trung tâm Lưu trữ quốc gia I: archives.org.vn, https://facebook.com/luutruquocgia1; website Sở Nội vụ: snv.binhdinh.gov.vn; website Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh: ttltls.snv.binhdinh.gov.vn.

Nội dung của phần III khơi dậy lịch sử cách mạng hào hùng của quân dân Bình Định thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cùng với đó, tiếp nối phát huy truyền thống lịch sử, tinh thần tự lực tự cường, tỉnh Bình Định đang vươn lên, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung và là một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Ông Phạm Đình Đôn, Trưởng Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), nhìn nhận: “Không chỉ đổi mới khi lần đầu tiên áp dụng hình thức trực tuyến, Triển lãm còn có nhiều tư liệu quý, mới. Trong đó, có nhiều tư liệu giá trị thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chỉnh lý các tập lịch sử Đảng bộ của các địa phương trong tỉnh, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng”.

Tích cực tham gia đóng góp vào nội dung Triển lãm, TS Võ Minh Hải, Phó Trưởng khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn), đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ 3D để đưa các tư liệu lịch sử, di sản đến với người xem một cách nhanh nhất. Các tư liệu này sẽ phục vụ rất đắc lực cho nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáp dục phổ thông 2018.

“Qua Triển lãm cho thấy được tình hình kiểm kê tư liệu lịch sử của Bình Định đến đâu, từ đó đặt ra vấn đề bảo tồn, sưu tầm, sử dụng như thế nào. Từ Triển lãm cũng có thể mở ra hàng loạt các dự án có liên quan cho tỉnh, đặc biệt là Sở Du lịch như đưa Triển lãm giới thiệu, quảng bá tại các khách sạn, điểm du lịch; hay ứng dụng công nghệ 3D vào quảng bá về truyền thống lịch sử, văn hóa, di sản để làm nổi bật lên điểm khác biệt về địa văn hóa của Bình Định so với các địa phương khác”, ông Hải góp ý. 

Triển lãm cũng cho thấy thế mạnh của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã được phát huy. Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn cho biết Sở mong muốn tiếp tục phối hợp với Trung tâm về lâu dài để tiếp tục phát huy giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh.

HOÀI THU - Nguồn Báo Bình Định