CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy
VĨNH THẠNH SAU 20 NĂM THỰC HIỆN PHONG TRÀO TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA: Cuộc sống mới phủ khắp các thôn, làng
Thứ ba 31/08/2021 10:59
Qua 20 năm (2000 - 2020) thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhiều giá trị văn hóa mới đã lan tỏa rộng khắp ở các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh. Nhờ vậy, cuộc sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Về xã Vĩnh Thuận, điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống giao thông nông thôn với những tuyến đường được bê tông, thảm nhựa phẳng phiu. Xen lẫn hai bên là những ngôi nhà mới, các điểm trường tiểu học, mầm non cũng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Rồi những khu đất hoang hóa, gò đồi đã được phủ xanh với những bí đỏ, đậu xanh, dưa hấu... Mừng hơn là bà con đã nắm được các tiến bộ KHKT để áp dụng vào sản xuất. Vĩnh Thuận trước đây được xem là địa phương nghèo khó nhất nhì của huyện, thì giờ đây đã có nhiều người vươn lên hàng triệu phú nhờ thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như vợ chồng anh Đinh Khuân và chị Đinh Thị A Ngắt (thôn 2), Đinh Khuy (thôn 6), Đinh Nhin (thôn 3), Đinh Nhun (thôn 8)…

Đời sống văn hóa của người dân làng 6, xã Vĩnh Thuận có nhiều đổi thay (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: T.L

Đặc biệt, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, xây cất mồ mả, tổ chức lễ hội ở xã Vĩnh Thuận… gần như đã chấm dứt, thay vào đó là nếp sống văn minh, hài hòa truyền thống với hiện đại. Già làng Đinh Phik, ở làng 6, chia sẻ: "Ngày xưa, nhà nào có người thân qua đời thì đến 49 ngày, 100 ngày hoặc giỗ đầu người nhà dù nghèo khổ đến mấy cũng phải làm cỗ trả hiếu linh đình. Bây giờ thì lễ trả hiếu được tổ chức gọn nhẹ, chỉ trong phạm vi gia đình, dòng họ. Dân làng giờ đây ý thức rất cao trong mọi hoạt động đời sống văn hóa tinh thần. Nhờ đó mà nhiều hủ tục từng bước được xóa bỏ".

 

Còn ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, thành tựu mang lại sau 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là 137 hộ trong làng không còn hộ nào thiếu đói, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Làng K8 đã xây dựng được nhà bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Bana Kriêm - nơi trưng bày, lưu giữ nhiều đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống như: Cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn pơ-lơn-khơng, váy áo… Đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần giữ gìn nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của làng.

 Tuyến đường từ thị trấn Vĩnh Thạnh về trung tâm xã Vĩnh Thuận được nhựa hóa (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh. T.L

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhìn nhận: Huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Thời gian đến, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phong trào này, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

 

Nếu vào năm 2000, toàn huyện chỉ có 2.535 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm gần 59% tổng số hộ trên địa bàn huyện; thì đến cuối năm 2020, toàn huyện đã có tới 8.777 hộ/9.127 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt trên 96%.

Điều đáng ghi nhận hơn là từ chỉ có 1 thôn được công nhận danh hiệu văn hóa vào năm 2000, sau 20 năm, toàn huyện đã có tới 48/59 làng, thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 81%. Nhiều thôn giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa nhiều năm liền như: Thạnh Quang (xã Vĩnh Hiệp); Vĩnh Thái, M2 (xã Vĩnh Thịnh); Định Thái, Định Trường (xã Vĩnh Quang)…

 

TRỌNG LỢI - Nguồn Báo Bình Định