CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy
Tuy Phước về đích nông thôn mới
Thứ tư 27/01/2021 15:35
Năm 2010 là năm khởi đầu huyện Tuy Phước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và sau 10 năm nỗ lực đến hết năm 2020 đã về đích, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh; kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, ngành nghề. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Củng cố và tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn, phát huy dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập người dân tăng nhanh.

Đường nông thôn Phước Hưng được thảm bê tông nhựa

Khi mới bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, Tuy Phước chỉ đạt bình quân 5 tiêu chí/xã. Nhận diện chính xác khó khăn, thuận lợi của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực không mệt mỏi. Đến năm 2015, con số này đã tăng lên khá ngoạn mục: 14 tiêu chí/xã. Trong đó, xã Phước An đạt chuẩn NTM từ năm 2014, năm 2015 có thêm 3 xã: Phước Hưng, Phước Nghĩa và Phước Thành đạt chuẩn NTM. Đây là nguồn động viên, tạo đà tăng tốc cho những xã còn lại và đến năm 2018 đã có 10/11 xã đạt chuẩn NTM và năm 2020 xã Phước Thắng cuối cùng cũng đạt chuẩn NTM, nâng lên 100% xã đạt chuẩn NTM.

Nằm ở vùng "rốn lũ" nên huyện xác định vai trò cốt lõi của hệ thống giao thông, ngay từ năm 2010, Tuy Phước tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn theo hướng đồng bộ, đồng thời gắn hệ thống này với các mục tiêu phát triển đô thị dọc theo các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19, Quốc lộ 19C, Quốc lộ 19 mới, các tuyến tỉnh lộ ĐT 640 - ĐT 636 - ĐT 631, ĐH 42 và các tuyến đường trung tâm xã. Điều này lý giải vì sao đến nay có trên 740/863,8 km đường giao thông được bê tông xi măng và thảm nhựa nóng, 100% xã của huyện đều đạt tiêu chí giao thông. Giao thông đã tạo tiền đề vững chắc để Tuy Phước phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng hệ thống thủy lợi bài bản với gần 175 km kênh mương nội đồng được kiên cố, đạt gần 100%. Tuy Phước còn tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều địa phương đã liên kết với doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.400 ha/ 26 cánh đồng/2 vụ (13 xã, thị trấn)/ năm. Xây dựng được 4 mô hình cánh đồng lớn tại 4 xã (Phước Hưng, Phước Quang, Phước Lộc, Phước Sơn), với diện tích 840ha/năm/xã; theo chuỗi giá trị đã tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất, hàng năm tiêu thụ từ 5.000 - 6.000 tấn lúa giống giá trị tăng thêm trong liên kết sản xuất giống hàng năm từ 9 - 10 tỷ đồng; tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển bền vững. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, hơn nữa nhờ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học nên dịch bệnh được hạn chế nhiều so với trước, thu nhập của người dân cũng tăng lên.

Kinh tế tăng trưởng khá, tạo điều kiện để huyện đầu tư xây mới nhiều trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hiện có 52/58 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 89,6%; thực hiện cải tạo và xây mới 11/11 nhà văn hóa cấp xã, 101 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, nâng tỷ lệ nhà văn hóa xã - thôn đạt chuẩn 100%.

Từ năm 2016 cho đến nay, cả huyện đã huy động trên 1.226 tỉ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó: Nguồn vốn Trung ương chiếm 2,66%, vốn ngân sách tỉnh chiếm 11,14%, vốn đầu tư ngân sách huyện chiếm 13,67%, vốn ngân sách xã chiếm 28,18%; vốn huy động các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và đặc biệt nhân dân chiếm 6,06% và hiến hơn 17.136 m2 đất.

Nhiều nhóm tiêu chí NTM đạt kết quả cao, như tiêu chí giao thông; tiêu chí y tế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,5%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo được đẩy mạnh, có trên 3.353 lao động nông thôn qua đào tạo nghề, đạt 53,2%, vượt 3,2% so với kế hoạch; trên 5.500 lao động được tạo việc làm mới; từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng đã hỗ trợ xây dựng 103 nhà tình thương, đại đoàn kết và sửa chữa 53 nhà ở hộ nghèo, với số tiền gần 5 tỉ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,2% năm 2015 xuống còn 1,92 % năm 2020...

Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, đánh giá: Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt kết quả khá toàn diện. Tốc độ đạt tiêu chí của các xã qua từng năm tăng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của cư dân nông thôn tăng nhanh hơn, đến nay đạt 45,8 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, các xã xây dựng NTM không bị nợ đọng do đầu tư xây dựng các công trình.

"Để đạt chuẩn huyện NTM, cần phải đạt 9 tiêu chí, qua tự đánh giá chúng tôi thấy Tuy Phước đã đạt 100% tiêu chí. Tuy Phước đề ra các nhóm giải pháp để phấn đấu nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đến cuối năm 2020 có 2 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao gồm: Phước Lộc, Phước Hưng. UBND huyện đã nộp hồ sơ đề nghị UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương thẩm định, công nhận Tuy Phước đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 8/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao" - ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết.

                                                                             Xuân Thức