CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy
Đập Đá - 70 năm nhìn lại
Thứ ba 16/06/2020 09:25
Một sự ngẫu nhiên hiếm có, Đại hội Đảng bộ phường Đập Đá lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra đúng vào dịp 70 năm Ngày thành lập đơn vị hành chính mới không mang tên có chữ Nhơn ở trước như các xã của huyện An Nhơn lúc bấy giờ, mà mang tên Đập Đá, lấy tên con đập dâng Thạch Đề (nghĩa là Đập Đá) nằm trên dòng sông Thạch Yển, gần chợ Thạch Yển xưa.

 

Tên gọi Đập Đá tồn tại 70 năm nhưng xứ sở này có bề dày lịch sử - văn hóa ngàn năm có dư. Từ kinh thành Đồ Bàn là đế đô của vương quốc Chămpa, đến thành Hoàng Đế kinh đô của vương triều Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Xuất phát từ đại bản doanh này, bộ chỉ huy quân Tây Sơn đã lãnh đạo đại binh chinh Nam, phạt Bắc, thống nhất sơn hà, chấn hưng đất nước.

Mảnh đất này không ít sỹ phu yêu nước, người lao động và đông đảo trai tráng đã tích cực tham gia phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, phong trào Cần vương chống Pháp, phong trào chống sưu thuế. Trong kháng chiến chống Pháp, Đập Đá như một đại công xưởng, tổng kho hậu cần, cung cấp hàng hóa cho cả Liên khu 5, nhất là vải may quần áo bộ đội, nông cụ phục vụ sản xuất, xe đạp cải tiến cho dân công thồ hàng ra chiến trường và vũ khí thô sơ trang bị cho bộ đội và du kích để chiến đấu.

Lớp người xưa nay hiếm không thể quên hình ảnh đồng chí Phạm Văn Đồng và cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ về thăm và mở hội nghị "Diên Hồng" tại Trường hát Đập Đá, phổ biến đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện cho cán bộ chủ chốt toàn Liên khu, kêu gọi đồng bào đứng lên cùng cả nước đánh thực dân Pháp giành thắng lợi. Hiệp định Giơnèvơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh thay mặt Trung ương và Liên khu ủy về tại Bá Canh truyền đạt Nghị quyết của Trung ương cho cán bộ cốt cán về chuyển hướng đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Cầu Đập Đá (cũ) được chọn làm ranh giới bàn giao cho đối phương, nhân dân lưu luyến đưa tiễn hàng trăm cán bộ lên đường rời cảng Quy Nhơn tập kết đợt cuối cùng.

Năm 1997, xã Đập Đá được nâng lên thị trấn, một đô thị đầy sức sống, càng  năng động trong thời kỳ đổi mới. Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng do địa phương xây dựng và quản lý là mô hình đầu tiên trong tỉnh, xuất phát từ yêu cầu sắp xếp theo ngành nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, từng bước giải quyết vệ sinh công nghiệp và ô nhiễm môi trường. Từ quy mô sản xuất kinh doanh và cung cách làm ăn năng động, hiệu quả, nên Đập Đá được xác định là vùng kinh tế động lực của cả chuỗi đô thị An Nhơn, góp phần tích cực cho quá trình đô thị hóa toàn huyện.

Từ cuối năm 2011, An Nhơn từ một huyện đồng bằng trở thành thị xã, mà sự đóng góp của Đập Đá rất quan trọng vào tiến trình đô thị hóa. Là một trong 5 phường nội thị (Đập Đá, Bình Định, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Hòa), trong đó phường Bình Định là trung tâm chính trị - hành chính, phường Đập Đá là trung tâm kinh tế với vai trò động lực cho cả vùng. Đập Đá càng có điều kiện phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, lấy năng suất và hiệu quả làm thước đo.

Tại Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào hai ngày 28 - 29/5/2020, đã kiểm điểm đánh giá kết quả lãnh đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ vừa qua: "Nền kinh tế giữ ổn định và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; quốc phòng an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và kiện toàn…". Bình quân trong 5 năm (2015 - 2020) tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,5%. Sở dĩ tăng trưởng, phát triển bền vững là nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng ngành nghề - dịch vụ. Đến cuối nhiệm kỳ giá trị sản xuất công nghiệp - dịch vụ chiếm đến 98% (công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 46%, thương mại - dịch vụ 52%), giá trị nông nghiệp chỉ còn 2%. Giá trị công nghiệp - dịch vụ chiếm tuyệt đối trong nền kinh tế của phường Đập Đá, đây là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình đô thị hóa và làm giàu cho quê hương, góp phần làm giàu cho đất nước.

Tập trung cho phát triển kinh tế, đầu tư chỉnh trang đô thị, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt quan tâm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là người có công với nước và đối tượng dễ bị tổn thương. Các chỉ số hưởng lợi của người dân không ngừng được nâng lên: thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 70 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên 80%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 90%, 100% khu vực đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa…

Thành tựu và những hạn chế cùng bài học kinh nghiệm rút ra từ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm trước đó, Đảng bộ phường Đập Đá đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế đạt tăng trưởng bình quân trong 5 năm tới từ 14,5 - 15%. Trong đó thương mại - dịch vụ tăng từ 20 - 21%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 3 - 4%, nông nghiệp giữ vững như hiện nay. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa giá trị thương mại - dịch vụ đạt tỷ trọng từ 52% lên 58% trong cơ cấu kinh tế phường. Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - thể dục thể thao, y tế, giáo dục; giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội; củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh.

Nhiệm kỳ tới đây, phường Đập Đá càng xác định vai trò quan trọng làm động lực thúc đẩy, góp phần tích cực trong quá trình thị xã An Nhơn hoàn thành toàn bộ các tiêu chí đô thị loại 3 để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Đập Đá vì thị xã và thị xã cũng vì Đập Đá, vì tương lai chung của quê hương An Nhơn và đất nước.

Nhìn lại 70 năm đất nghề mang tên mới, Đảng bộ phường Đập Đá đã trải qua 15 kỳ đại hội, mỗi nhiệm kỳ đánh dấu bước phát triển mới. Cứ thế, phường Đập Đá ngày càng tạo ra diện mạo mới cho phố phường, luôn là điểm sáng trong cung cách làm ăn năng động, sáng tạo để cùng tiến kịp với đà đi lên của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

   Trần Duy Đức