CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy
Kinh nghiệm tuyên truyền, vận động xây dựng Nông thôn mới
Thứ ba 18/02/2025 14:37

Trong năm 2024, huyện Tây Sơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; để có được kết quả đó, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự quyết tâm, nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị và toàn thể cán bộ, đảng viên, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân... thì không thể không kể đến hiệu quả từ công tác tuyên truyền vận động do Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì.

Một trong những thành công và tạo bước đột phá trong tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới chính là việc thuyết phục cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã  Vĩnh An - xã miền núi đặc biệt khó khăn với hơn 85% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - đồng lòng, quyết tâm về đích nông thôn mới. Với suy nghĩ sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới, đồng nghĩa với việc địa phương thoát khỏi xã nghèo, không còn được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, xã nghèo. Đây là “nút thắt” khó gỡ trong quá trình tuyên truyền thực hiện Chương trình Nông thôn mới ở xã miền núi nói chung và xã Vĩnh An nói riêng.

Tuyên truyền, vận động bà con miền núi xã Vĩnh An dọn vệ sinh môi trường

Nắm bắt được tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Vĩnh An, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, làm việc cụ thể với Đảng ủy xã từ công tác thông tin đến tuyên truyền trực quan sinh động. Qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ hơn về những lợi ích thiết thực mà Chương trình Nông thôn mới mang lại: Từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế đến nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội việc làm tại chỗ. Chính sự thay đổi này đã khuyến khích Nhân dân xã không ngừng phấn đấu, đóng góp sức mình cho quê hương; các hoạt động đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Từ thực tiễn trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tây Sơn đã rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, trong thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo cũng như công tác tuyên truyền, vận động phải nhất quán thực hiện phương châm "Chủ động, trách nhiệm, sáng tao, hiệu quả" từ tham mưu cho tới triển khai tổ chức thực hiện. Luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thường trực Huyện ủy; sự hướng dẫn, giúp đỡ của các phòng chuyên môn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp với cơ quan Nhà nước cùng cấp theo Quyết định 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư cũng như các ngành trong khối khoa giáo trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm.

Thứ hai, trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng Nông thôn mới phải hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám sát người dân để nắm chắc tư tưởng các tầng lớp Nhân dân, nhất là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm và thu nhập của người dân; luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp; kịp thời thông tin về chủ trương, chính sách có liên quan đến Nhân dân; thường xuyên nâng cao nhận thức cho Nhân dân cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu của các thế lực thù địch;

Thứ ba, trong công tác tuyên truyền, vận động nói chung và tuyên truyền, xây dựng Nông thôn mới nói riêng, ngoài sự phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội cần phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của những người có uy tín ở cộng đồng; chính họ là người thuyết phục hiệu quả nhất và là người tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con Nhân dân.

 

Thứ tư, phải luôn coi trọng và đầu tư đúng mức việc nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ truyền thông, báo chí (như báo, đài, các trang thông tin nội bộ, mạng xã hội…), các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội thi; các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm trực tuyến… sẽ cộng hưởng, tạo sự lôi cuốn và sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và trong xã hội.

Thứ năm, thường xuyên quan tâm kiện toàn, quản lý hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động. Quan tâm, kiện toàn những người có tâm huyết, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng và biết hy sinh (thời gian, công sức và trí tuệ) cho công tác tuyên truyền, vận động. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở.

Thứ sáu, làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, đánh giá, kịp thời động viên khen thưởng những người làm tốt; phát hiện những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả để biểu dương kịp thời và nhân rộng, đồng thời, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, làm lướt, hoặc thiếu quan tâm, triển khai hình thức.

Với phương châm "Xây dựng Nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc", trong thời gian đến Ban Tuyên giáo Huyện ủy cùng với hệ thống chính trị trong huyện sẽ tiếp tục nỗ lực để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao gắn với hoàn thành huyện đạt đô thị loại IV và sớm trở thành thị xã theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.         

   Y.C