Sáng 23.7, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ nhân kỷ niệm 93 năm Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương, Hoài Thanh Tây (23.7.1931 - 23.7.2024).
Lãnh đạo TX Hoài Nhơn dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại di tích lịch sử Cây số 7 Tài Lương. Ảnh: Quang Hải
Cách đây tròn 93 năm, ngày 22 - 23.7.1931, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Bình Định, Huyện ủy Hoài Nhơn (nay là TX Hoài Nhơn) đã lãnh đạo đảng viên, nhân dân trong huyện xuống đường đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp chấm dứt khủng bố trắng, không đàn áp phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi, đòi quyền tự do, dân chủ, dân sinh, độc lập dân tộc.
Đoàn biểu tình có hơn 3.000 người từ các hướng sôi sục tiến về phủ đường Bồng Sơn đấu tranh, mỗi lúc một đông. Dọc đường, quần chúng phá sạch, đốt trụi hệ thống điểm canh, chòi gác của địch. Khoảng 1 giờ 30 phút sáng 23.7.1931, khi đoàn biểu tình kéo đến Cây số 7 Tài Lương thì bị binh lính địch điều động từ Quy Nhơn ra chặn lại.
Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, nhiều đồng chí đảng viên và quần chúng đã kiên cường sát cánh chống chọi với quân địch và hy sinh anh dũng. Tuy vậy, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, quần chúng tham gia ngày một đông làm cho bọn địch lo lắng, khiếp sợ.
Cuộc biểu tình đêm 22, rạng sáng 23.7.1931 tại Cây số 7 Tài Lương là cuộc đấu tranh của lực lượng quần chúng đầu tiên của huyện do Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Bình Định, mà trực tiếp do Đảng bộ huyện Hoài Nhơn lãnh đạo, đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống chính quyền của thực dân phong kiến trên địa bàn huyện, là biểu hiện của nghị lực cách mạng phi thường, tạo thế và lực cho các cao trào cách mạng sau này. Cuộc biểu tình là sự kiện lịch sử lớn không chỉ của Bình Định mà còn của miền Trung Việt Nam lúc bấy giờ, khẳng định sự lớn mạnh của tổ chức Đảng cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, làm tiền đề cho cao trào dân tộc dân chủ 1936 - 1939, tiến đến tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 giành thắng lợi.
Nhằm tôn vinh những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào đã cống hiến, hy sinh trong cao trào cách mạng chống thực dân Pháp, giành lại hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc, TX Hoài Nhơn đã xây dựng công trình di tích lịch sử Cây số 7 Tài Lương.
QUANG HẢI - Nguồn Báo Bình Định