9 tính năng của PC-Covid bao gồm các chức năng của 3 ứng dụng cũ và những tính năng mới gồm: Khai báo y tế, kiểm soát ra vào bằng mã QR, hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến, hỗ trợ truy vết, quản lý cách ly, quản lý tiêm chủng, phản ảnh, bản đồ nguy cơ, thẻ thông tin Covid. Trong đó, thẻ Covid-19 là một trong những tính năng quan trọng. Ba màu thẻ xanh, vàng, đỏ được hiển thị qua thẻ tùy thuộc vào các dữ liệu của người dùng từ hệ thống quản lý tiêm vắc xin, hệ thống quản lý xét nghiệm... Thẻ xanh được xem là "giấy thông hành" cần thiết để người dân xuất trình khi ra đường, qua chốt kiểm soát.
PC-Covid đang được thiết kế lại thuận tiện nhất cho mọi người dùng. Ảnh: HỒNG HÀ
Việc thống nhất các ứng dụng chống dịch thành ứng dụng duy nhất tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như lực lượng chức năng, đồng thời đảm bảo về mặt bảo mật dữ liệu. Người dùng có thể cập nhật, tải và sử dụng PC-Covid từ ngày 30.9. Ông Nguyễn Văn Dũng (TP Quy Nhơn) chia sẻ: "Ứng dụng có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, các tính năng thể hiện rõ ràng nên với người lớn tuổi, ít am hiểu về công nghệ như tôi vẫn sử dụng được. Ngoài ra, các thông tin cá nhân cần thiết đều được tích hợp trên điện thoại, nhờ vậy giờ ra đường thuận tiện hơn, không phải cầm theo nhiều giấy tờ".
Với ngành y tế, PC-Covid là phương tiện hỗ trợ đắc lực, nhất là trong việc truy vết và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc tích hợp, thống nhất các tính năng như: Quét mã QR, trả kết quả xét nghiệm, quản lý tiêm chủng trong PC-Covid, cũng như liên thông các cơ sở dữ liệu giữa các ngành đang tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn ngành từ trung ương xuống địa phương, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác điều hành và phòng, chống dịch.
Tuy vậy, quá trình sử dụng PC-Covid phát sinh một số lỗi kỹ thuật. Chưa cập nhật đầy đủ về số lượng mũi tiêm vắc xin, việc đồng bộ hóa được dữ liệu mất nhiều thời gian, chưa ổn định... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lo ngại về vấn đề bảo mật khi PC-Covid cho phép người dùng sử dụng mã OTP để đăng nhập nhiều lần trong vòng 5 phút, hay cho phép sử dụng duy nhất thông tin số CMND, CCCD để lấy thông tin tiêm chủng... tiềm ẩn nguy cơ bị ăn cắp mã, lộ lọt thông tin.
Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia (Bộ TT&TT), ứng dụng được phát triển trong vòng 2 tuần, nhưng có quy mô lớn cả về tính năng, dữ liệu cũng như số lượng người dùng nên những trục trặc phát sinh là khó tránh khỏi. Hiện, Trung tâm đang liên tục cập nhật, nâng cấp, bổ sung tính năng mới cho ứng dụng để thuận tiện cho người dân sử dụng, phù hợp với chiến dịch phòng, chống dịch theo từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sở sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và có những hướng dẫn cụ thể để người dân và các địa phương hiểu, biết cách sử dụng ứng dụng. Công nghệ quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là dữ liệu để "nuôi sống" ứng dụng. Mà dữ liệu là do chính người dân và các cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm cập nhật. Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho hay: Sở đang tăng cường tập huấn và hướng dẫn cho nhân viên y tế sử dụng các nền tảng được tích hợp trong ứng dụng; đồng thời, tuyên truyền đến người dân về lợi ích của ứng dụng để tất cả người dân có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt".
Nguồn Báo Bình Định