Theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang có những diễn biến phức tạp nhưng với việc tỉnh triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, hạn chế số ca nhiễm mới, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, xuất viện ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo chủ trương của Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và của tỉnh, việc thiết lập bệnh viện dã chiến là nhằm kịp thời ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam chưa cho thấy dấu hiệu được kéo giảm và tỉnh ta đang tiếp tục chủ trương đón nhận công dân Bình Định từ thành phố Hồ Chí Minh trở về.
Báo cáo nhanh tại hiện trường, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, theo Kế hoạch đề ra, bệnh viện dã chiến dự kiến sẽ được đặt tại Trường Cao đẳng Bình Định (cũ) và Trường Đại học Quy Nhơn trên cơ sở sử dụng một phần diện tích đất và cơ sở vật chất hiện có của trường để phục vụ việc điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ. Trong thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành chặt chẽ các mặt công tác chuẩn bị thiết lập bệnh viện dã chiến đúng theo chỉ đạo của trên, đảm bảo hoạt động, vận hành tốt khi có tình huống xảy ra. Việc kích hoạt bệnh viện dã chiến sẽ được thực hiện căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn; ứng với từng giai đoạn, tình huống cụ thể, các cơ quan chức năng và ngành chuyên môn của tỉnh sẽ tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kích hoạt ở từng cấp độ với quy mô tương xứng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai các mặt công tác đảm bảo việc thiết lập và hoàn thành bệnh viện dã chiến đúng mô hình tổ chức theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; chuẩn bị sẵn sàng vận hành, đưa vào hoạt động khi có tình huống xảy ra. Đồng chí Lê Kim Toàn lưu ý, bệnh viện dã chiến phải đáp ứng các điều kiện về nhân lực, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế và các thành phần khác có liên quan, biên chế tổ chức chặt chẽ; đảm bảo cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị y tế và các yêu cầu khác cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19, các điều kiện cần thiết để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại đây; thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý xả thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để gây ô nhiễm. Thiết lập các khu điều trị, khu hành chính, hậu cần...; có phương án bố trí, phân luồng giao thông trong khu vực bệnh viện dã chiến đảm bảo thông suốt. Các cơ quan, tổ chức, các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể và đặt dưới sự quản lý, điều hành thống nhất của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị các đơn vị nơi dự kiến thiết lập bệnh viện dã chiến xây dựng phương án, thiết kế mô hình giảng dạy, đào tạo trong điều kiện bệnh viện dã chiến được kích hoạt (không thể đào tạo trực tiếp, tập trung sinh viên vào trường). Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các lực lượng, thành phần trong xã hội sẵn sàng tham gia hỗ trợ công tác tại bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu.../.
(Trong ảnh: Đồng chí Lê Kim Toàn kiểm tra công tác thiết lập bệnh viện dã chiến tại Trường Cao đẳng Bình Định (cũ))
Lê Dương