Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Liên kết nông dân phát triển kinh tế
Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, Hội Nông dân tỉnh đã cụ thể hóa, hướng dẫn hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở tổ chức khảo sát, lựa chọn, xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp bảo đảm tiêu chí và nguyên tắc “5 tự”: Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Theo đó, mô hình chi hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp đã xuất hiện trên nhiều lĩnh vực sản xuất như: Nuôi trồng, khai thác thủy sản, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, kinh doanh chế biến đồ gỗ mỹ nghệ… Các mô hình được thành lập đã góp phần hình thành liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn thành lập được hơn 615 mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp với hơn 8.240 thành viên tham gia, trong đó, có các chi, tổ hội hoạt động hiệu quả như: Chi hội sản xuất Nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường (Phù Cát); Chi hội trồng dừa xiêm theo hướng hữu cơ tại xã Ân Đức (Hoài Ân); Chi hội nuôi ong lấy mật tại xã Hoài Sơn, Tổ hội sản xuất mộc dân dụng tại xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn); Tổ hội bánh tráng mỳ, Tổ hội trồng dâu nuôi tằm tại xã An Hòa (An Lão)…
Định hướng, đồng hành, hỗ trợ
Để tiếp tục nhân rộng mô hình chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí ra mắt các chi, tổ hội nghề nghiệp và hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư trang thiết bị, phát triển quy mô sản xuất, từ đó, hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, giúp người dân ổn định đời sống. Từ việc nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thúc đẩy việc hình thành, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Qua đó, có thể thấy mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp tạo được sự gắn kết giữa nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp; đa dạng hóa mô hình tổ chức hội nông dân cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả./.
Lệ Hằng - Ban Dân vận Tỉnh ủy