Sáng 24.10, tại TP Quy Nhơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN (gọi tắt NQLT 403) ngày 15.6.2017, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy và sở, ngành; đại diện các tổ chức thành viên và hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và 11 huyện, thị, thành phố, một số xã, phường, thị trấn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: C.H
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Thị Kim Thu, trong 5 năm thực hiện NQLT 403, nhìn chung hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, nền nếp và hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, UBND các cấp trong việc chỉ đạo các sở, ngành phối hợp, tham gia các hoạt động giám sát, gửi các dự thảo văn bản để phản biện, kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của hội đoàn viên và nhân dân.
Từ năm 2018-2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì, thành lập 1.156 đoàn, giám sát 1.804 cuộc về thực thi chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực về giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, công tác bầu cử, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác cán bộ, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức…
Đồng thời, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tính từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã ban hành quyết định thành lập 4.000 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo từng công trình, dự án, 100% xã, phường, thị trấn được thành lập Ban Thanh tra nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn Trương Hồng Thủy phát biểu tham luận. Ảnh: C.H
Bên cạnh hình thức tự giám sát và thông qua giám sát của nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực phối hợp tham gia với các đoàn kiểm tra, giám sát do các cơ quan, ban, ngành cùng cấp tổ chức, thực hiện hơn 2.630 lượt, tập trung giám sát theo chuyên đề trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND…
Trong công tác phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức và gửi lấy ý kiến phản biện bằng văn bản 378 dự thảo về Đề án điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh; chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; một số đề án, dự án, quy hoạch về phát triển KT-XH, chỉnh trang đô thị, di dời các cơ sở sản xuất Cụm công nghiệp…
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Hồng Hiệp phát biểu tham luận Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát. Ảnh: C.H
Trong 5 năm thực hiện NQLT 403 bước đầu đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng giám sát phản biện xã hội. Việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện và hình thức giám sát ở cấp cơ sở còn lúng túng, chưa phối hợp và phát huy đúng mức 4 hình thức giám sát theo Nghị quyết.
Mặt khác, việc đăng ký và gửi dự thảo văn bản cần phản biện xã hội của các cơ quan, ban, ngành chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời hoặc quá gấp, chưa đảm bảo thời gian theo quy định, làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phản biện, kết quả chưa cao, nhất là ở cơ sở, công tác phản biện xã hội chưa được rõ nét, chưa thực hiện hiệu quả, chủ yếu theo hình thức tham gia góp ý kiến khi được yêu cầu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến, tham luận nâng cao hình thức giám sát, phản biện xã hội, như: Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát; thực trạng về công tác phản biện xã hội đối với các đề án, dự án, kế hoạch phát triển KT-XH được triển khai thực hiện ở TX Hoài Nhơn; những hình thức giám sát được MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện hiệu quả tại địa phương, kinh nghiệm thực tiễn; thực trạng công tác phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách pháp luật của MTTQ ở cơ sở…
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của các địa phương, đơn vị trong 5 năm thực hiện NQLT 403.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: C.H
Để thực hiện tốt hơn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội nói chung và NQLT số 403 nói riêng, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục rà soát lại toàn bộ các văn bản, quy định liên quan đến công tác giám sát, phản biện của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu, tiếp tục quán triệt trong hệ thống của mình.
Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, tham mưu cấp ủy phối hợp với chính quyền quán triệt, phổ biến, tuyên truyền trong hệ thống chính trị, nhân dân để hiểu rõ hơn, tạo điều kiện phối hợp với MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.
MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kịp thời báo cáo, phản ánh, đề xuất với cấp ủy những vấn đề liên quan sau giám sát để cấp ủy chỉ đạo, xử lý theo quy định. Đồng thời, phải phối hợp chính quyền trong giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là HĐND, UBND trong chọn nội dung thực hiện giám sát, phản biện xã hội. “Thời gian tới, MTTQ tỉnh có thể chọn nội dung giám sát mang tính hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, để có cơ sở tổng hợp trên phạm vi toàn tỉnh; có cách nhìn tổng quát. Từ đó, phối hợp với các cơ quan liên quan trong đánh giá hiệu quả thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan; đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nội dung liên quan giám sát, phản biện xã hội sẽ có chất lượng, hiệu quả hơn”, bà Vũ nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ tặng bằng khen cho các tập thể. Ảnh: C.H
Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tặng 33 bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện NQLT 403 về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
CHƯƠNG HIẾU - Nguồn Báo Bình Định