CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035: Khơi thông nguồn lực để phát triển
Thứ ba 06/08/2024 10:46

Huyện Vĩnh Thạnh xác định là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nước ngọt theo hướng hiện đại, trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa lịch sử…

Chiều 5.8, UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua một số thời kỳ; đại diện sở, ngành liên quan và 80 DN, nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (thứ 3 từ trái sang) trao Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 cho lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: MAI HOÀNG

Phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và du lịch

Trong những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh được Trung ương, tỉnh quan tâm, đầu tư nguồn lực nên kinh tế đã có những bước phát triển khởi sắc. Tuy vậy, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện nói rằng, huyện vẫn nằm trong vùng khó khăn của tỉnh. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035, tầm nhìn định hướng đến năm 2050 xác định cụ thể các vùng động lực phát triển, mô hình phát triển không gian vùng; định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, phát triển dân cư, phân loại, phân cấp đô thị và xác định tính chất của từng đô thị; đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững KT-XH.

Theo đó, toàn bộ huyện Vĩnh Thạnh được chia thành 3 phân vùng phát triển kinh tế. Phân vùng trung tâm (thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa) là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của huyện; phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại và là đầu mối giao lưu với các địa phương lân cận. Phân vùng sinh thái nông nghiệp (các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo) là vùng phát triển nông - lâm nghiệp kết hợp phát triển vùng nguyên liệu mì và nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến nông lâm sản; phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản nước ngọt gắn với các hồ đập, phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn nông nghiệp… Phân vùng bảo tồn và du lịch (các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn) là vùng bảo tồn sinh thái rừng tự nhiên, rừng đặc dụng; phát triển kinh tế rừng kết hợp các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với lợi thế tự nhiên sẵn có của khu vực.

Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư dự án trên địa bàn huyện. Ảnh: MAI HOÀNG       

Với định hướng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, huyện ưu tiên phát triển các loại cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (lúa gạo chất lượng cao, rau các loại). Hình thành vùng phát triển kinh tế rừng thuộc các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, tập trung phát triển rừng kinh tế, rừng sản xuất, đến năm 2035 xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt chứng chỉ FSC.

Hình thành vùng phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, đến năm 2025 diện tích rau an toàn đạt 45 ha; hình thành vùng phát triển nông nghiệp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tinh bột mì, mì lát với 1.000 - 1.200 ha. Vùng phát triển trang trại chăn nuôi phát triển khoảng 47 ha tại xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thuận, Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa.

Về du lịch, phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống địa phương. Kết nối du lịch huyện Vĩnh Thạnh với cụm du lịch Hoài Nhơn và An Lão, Hoài Ân.

Khơi thông nguồn lực

Để tăng vai trò đầu mối giao thông và tính liên kết giữa huyện Vĩnh Thạnh trong khu vực, tăng tính liên kết và giao thương khu vực trong tỉnh và huyện K’bang (tỉnh Gia Lai), thời gian tới Vĩnh Thạnh sẽ được đầu tư các tuyến giao thông kết nối. Đặc biệt tuyến đường Hoài Ân - Vĩnh Thạnh - Gia Lai và tuyến đường Vĩnh Thạnh - Phù Cát.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 xác định 3 phân vùng phát triển kinh tế.

- Trong ảnh: Phân vùng trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh (cùng với các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa) là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của huyện. Ảnh: LONG VŨ

Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho hay, hiện tại tỉnh lộ ĐT 637 và đường ĐH33 từ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh đến xã Vĩnh Sơn đã và đang được đầu tư, nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân địa phương đi lại và giao thương hàng hóa. Theo quy hoạch, tuyến đường từ trung tâm xã Vĩnh Sơn đến xã Sơn Lang (huyện K’bang, tỉnh Gia Lai) được đầu tư sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho đi lại và giao thương hàng hóa. Việc định hướng phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp và vùng lâm nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Sơn cũng rõ ràng hơn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội nghị công bố đồ án quy hoạch, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung nhấn mạnh quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Thông qua quy hoạch này, huyện Vĩnh Thạnh có định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, khắc phục các hạn chế, khơi thông nguồn lực phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở, tiền đề để huyện Vĩnh Thạnh tăng tốc phát triển.

“Việc quyết định đầu tư các dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy huyện Vĩnh Thạnh phát triển đúng định hướng quy hoạch. Trong đó, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: Tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Tà Súc để đẩy nhanh thu hút các dự án công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến, công nghiệp nhiên liệu; thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa lịch sử, hệ thống dịch vụ, thương mại kết hợp khu dân cư có chất lượng…”, ông Trung chia sẻ.

Phát triển thủy sản nước ngọt gắn với lợi thế hồ Định Bình là một trong hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: LONG VŨ

Tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác 4 dự án đầu tư, gồm: Dự án Trang trại chăn nuôi gà đẻ và gà hậu bị tại xã Vĩnh Thịnh (Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Thịnh); dự án Trang trại chăn nuôi heo theo quy trình, tiêu chuẩn công nghệ cao của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam tại xã Vĩnh Hòa (Công ty TNHH Nông nghiệp Hòa Tiến); dự án Khu thương mại - dịch vụ ven sông Kôn thị trấn Vĩnh Thạnh (Công ty CP Xây dựng Sài Gòn); dự án Khu du lịch sinh thái Tà Má (Công ty CP Đầu tư SCC).

Ông Lê Đình Trường, Giám đốc ngành kinh doanh heo giống khu vực  miền Trung và Tây  Nguyên thuộc Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, cho rằng, công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 là tiền đề quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi. Dự án trang trại chăn nuôi heo theo quy trình, tiêu chuẩn công nghệ cao của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đang triển khai các bước thủ tục đầu tư, dự kiến quý III/2025 đầu tư xây dựng hạ tầng, con giống… quy mô đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

“Hiện tại, có 3 nhà đầu tư hợp tác với C.P Việt Nam tìm hiểu đầu tư trang trại chăn nuôi tại huyện Vĩnh Thạnh. Đây là địa phương đầu tư rất tốt vì môi trường còn khá sạch; nguồn lao động địa phương lớn; khá gần, thuận lợi với cơ sở giết mổ của C.P đầu tư tại Bình Định”, ông Trường đánh giá.  

MAI HOÀNG - Nguồn Báo Bình Định