Ðó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh - tại buổi làm việc ngày 14.6 với lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh
Cùng chủ trì buổi làm việc có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long.
Chủ động, khẩn trương
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 119 km, qua địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố.
Thi công cầu Đề Gi thuộc dự án đường ven biển. Ảnh: BQL DAGT
Để triển khai thi công, tổng diện tích đất cần thu hồi để bàn giao mặt bằng sạch khoảng 1.674 ha, trong đó đất lúa hơn 437 ha, đất rừng phòng hộ hơn 32 ha, đất rừng sản xuất hơn 679 ha, các loại đất khác 524 ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng cần bố trí TĐC khoảng 1.439 hộ.
Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã bàn giao cọc mốc GPMB 99,23 km/118,8 km, đạt 83,5% tổng chiều dài toàn tuyến. Sau khi bàn giao cọc mốc, chính quyền các địa phương rà soát quy mô, số hộ bị ảnh hưởng, tiến hành họp dân thông báo chủ trương thực hiện dự án; thu thập thông tin về thửa đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không được xây dựng, cơi nới nhà cửa; tổ chức đo đạc, xây dựng hồ sơ kỹ thuật địa chính, kiểm kê đất đai và tài sản trên đất để tính toán áp giá đền bù.
Trong đó, TX Hoài Nhơn đã kiểm kê đối với 2.621 hộ (đạt 81% tổng số hộ bị ảnh hưởng), với diện tích hơn 179 ha; huyện Phù Mỹ 592 hộ (44,8%) - hơn 38 ha; huyện Tuy Phước 157 hộ (20,2%) - gần 9 ha; TX An Nhơn 65 hộ (98,5%) - hơn 8 ha; huyện Hoài Ân 232 hộ (71,1%) - gần 52 ha…
Theo cam kết của chính quyền các địa phương, phấn đấu đến cuối tháng 11.2022 sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng; đến hết quý II/2023 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công tuyến cao tốc.
Cùng với đó, toàn tỉnh cũng đang tập trung triển khai 11 dự án giao thông trọng điểm khác. Ông Lưu Nhất Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh, cho hay: Để triển khai các dự án đúng tiến độ, Ban đã tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác GPMB và TĐC. Phân công cụ thể cho từng lãnh đạo Ban phụ trách, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện đối với từng dự án trọng điểm. Trong năm 2022, vốn bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm là hơn 1.468 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 1.001 tỷ đồng.
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, trên địa bàn huyện đang tập trung triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong. Để các dự án được triển khai đúng tiến độ, thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai công tác GPMB. Huyện cam kết đến ngày 30.6 này sẽ bàn giao 50% mặt bằng sạch thi công tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; đến cuối tháng 11.2022 bàn giao 70% diện tích mặt bằng để thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Vào cuộc tích cực hơn nữa
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, nhờ sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của các cấp, các ngành, công tác bồi thường, GPMB, TĐC đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh và tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm đều cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Để đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, UBND tỉnh sẽ ủy quyền cho các sở, ngành, chính quyền địa phương thực hiện công tác bồi thường, GPMB, TĐC. Tỉnh cũng rà soát những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp trong khung chính sách bồi thường để kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết. Đồng thời, yêu cầu từng địa phương phải kiểm soát thật chặt việc sang nhượng, lấn chiếm đất đai, trồng hoa màu trái phép để trục lợi trên diện tích GPMB.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: N.H
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định, các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai khi hoàn thành sẽ tạo hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng, góp phần rất lớn thúc đẩy tỉnh phát triển KT-XH, thu hút đầu tư.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án đi qua cần chung sức, đồng lòng, cùng với tỉnh tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, nhất là công tác GPMB, TĐC dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu từng địa phương phải thành lập ngay ban chỉ đạo thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, GPMB, TĐC, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Chủ đầu tư các dự án tập trung đôn đốc các đơn vị thi công tập trung thiết bị, nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
11 dự án giao thông trọng điểm do tỉnh triển khai: Tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân (dài hơn 13,5 km); tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân (1,6 km); tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (hơn 9,3 km); tuyến đường kết nối từ đường phía Tây với đường ven biển - TX Hoài Nhơn (7 km); tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh đến đường ven biển - huyện Phù Mỹ (19,2 km); tuyến đường ven biển đoạn Đề Gi - Mỹ Thành (7,6 km); tuyến đường ven biển đoạn từ QL 1D đến QL 19 mới (4,3 km); tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong - Tây Sơn (gần 18 km); tuyến đường tránh ĐT 633 đoạn từ núi Ghềnh đến đường ven biển - huyện Phù Cát (gần 3,5 km); tuyến đường kết nối từ QL 19 đến Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định (12,8 km); tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh (kết nối từ Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đến thị trấn Vân Canh, 24 km). Tổng mức đầu tư của các dự án trên hơn 10.443 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. |
NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định