CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Thứ năm 25/11/2021 14:07
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể", kinh tế tập thể của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng ngành nghề kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và đóng góp đáng kể vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 250 HTX đang hoạt động; trong đó, có 188 HTX nông nghiệp, 19 HTX tiểu thủ công nghiệp, 16 HTX vận tải và 27 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng vốn hoạt động của các HTX nông nghiệp tính đến ngày 31/12/2021 ước đạt khoảng 3.334.192 triệu đồng. Tổng vốn đăng ký mới tính từ thời điểm Luật HTX năm 2012 có hiệu lực khoảng 52 tỷ đồng, bình quân 263,6 triệu đồng/HTX.

Thực tế cho thấy, trong hơn 20 năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới về hình thức tổ chức, phương thức quản lý và nội dung hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Hầu hết các HTX đã thực hiện mô hình vừa quản lý, vừa điều hành. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Được thành lập vào năm 1980, đến tháng 4/2015, HTX bắt đầu chuyển đổi phương thức hoạt động theo mô hình vừa quản lý vừa điều hành theo Luật HTX. Với đặc thù của địa phương là gần 90% diện tích đất sản xuất là đất gò đồi thiếu nước, bà con nông dân ở đây chủ yếu trồng mía hoặc mì nguyên liệu, nhưng năng suất đạt thấp và không ổn định. Sau khi Công ty cổ phần Đường Bình Định ngừng hoạt động, nhiều diện tích trồng mía trước đây phải bỏ hoang, HTX nông nghiệp Thượng Giang đã mạnh dạn lập dự án, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây đậu phộng, mè, bắp, rau màu lên trồng trên đất gò đồi. Đồng thời, HTX cũng đã đứng ra ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ bắp sau thu hoạch với Công ty TNHH MTV Xuất khẩu rau quả Doveco Gia Lai. Được hướng dẫn tận tình về kỹ thuật canh tác bắp và bao tiêu đầu ra, bà con nông dân ở đây, cũng là thành viên của HTX đã hăng hái lao động, từ đó có lợi nhuận cao. Đến nay, doanh thu bình quân hàng năm của HTX khoảng 10 tỷ đồng, đời sống người dân ở đây từng bước khởi sắc.

Ngoài việc tiếp tục duy trì các dịch vụ phục vụ sản xuất của thành viên như: thủy lợi, làm đất, cung ứng giống, vật tư…, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xác định lại nội dung hoạt động phù hợp với nhu cầu của thành viên, loại bỏ dần những dịch vụ không hiệu quả, chú trọng đầu tư chiều sâu những dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên cũng như kinh tế HTX. Nhiều HTX đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm phát triển các dịch vụ, ngành nghề mới phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các thành viên HTX.

Một số HTX bước đầu đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, đầu tư nhà màng, công nghệ tưới tự động, tưới tiết kiệm nước… Tiêu biểu có thể kể đến như HTX nông nghiệp Nhơn Thọ II (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn), hoạt động kinh doanh tổng hợp, có quy mô liên thôn với 938 hộ thành viên. Trong những năm qua, HTX đã liên kết với Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình sản xuất và tiêu thụ lúa giống trên diện tích 100 ha. Đồng thời, xây dựng mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt khoảng 9 tỷ đồng.

Cũng áp dụng phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như vậy, HTX nông nghiệp Phước Hưng (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) trong những năm qua đã thu hút được 2.452 hộ thành viên tham gia. Doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng 40 tỷ đồng.

Xã viên HTX Nhơn Thọ II (thị xã An Nhơn) đang chăm sóc vườn rau của HTX

Từ thực tế cho thấy, hoạt động của các HTX có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, phát triển HTX, bà con nông dân đã được tiếp cận nguồn vốn; được cung cấp giống cây trồng, vật nuôi; được hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.

Hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều HTX còn tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội và văn hóa cộng đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển, đóng góp lớn vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Hà