CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
Thứ năm 18/11/2021 11:17
Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, trong giai đoạn này, tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Ảnh. Các mô hình sản xuất rau an toàn được phát triển mạnh trong thời gian qua

Đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 60%; trên 60% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được tiêu thụ đạt 15%; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong tổng số thuốc bảo vệ thực vật đạt 30%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%, tăng cường chất lượng rừng. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 3,2 - 3,6%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 4,5 - 5%/năm…

Để thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra một số giải pháp, tập trung vào các nội dung: Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được ban hành; đồng thời rà soát, bổ sung một số quy định, cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Phát triển các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Hoàn thành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương…

Ngọc Hà