CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Phòng chống hạn hán vụ Hè Thu: Không lo ngay sẽ muộn
Thứ ba 18/02/2020 14:03
Trước nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng trong vụ sản xuất Hè Thu, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác phòng chống hạn, hạn chế rủi ro do thời tiết gây ra.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tổng lượng mưa năm 2019 chỉ đạt 74% trung bình của nhiều năm, lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5.2020 cũng thấp hơn từ 10 - 25%, trong khi đó nhiệt độ trung bình vụ Hè Thu (HT) cao hơn cùng kỳ vụ này năm trước sẽ làm cho nước bốc hơi mạnh, càng tăng nguy cơ xảy ra hạn hán.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu kiểm tra hệ thống kênh tưới Thượng Sơn, huyện Tây Sơn.

Nguy cơ hạn hán trên diện rộng

Dự báo khả năng xảy ra hạn hán trong vụ HT của ngành chức năng là có cơ sở bởi mới cuối vụ Đông Xuân (ĐX) 2019 - 2020 nhưng 226 ha lúa và cây trồng cạn tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn đã bị thiếu hụt nước tưới. Nguồn nước bổ sung ít, nên 165 hồ chứa trong tỉnh chỉ tích được 418 triệu m3, đạt trên 70% tổng dung tích thiết kế, bằng 81% năm 2019.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trường hợp nắng nóng kéo dài, khả năng có 600 ha lúa ăn nước từ các công trình thủy lợi (CTTL) do Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý bị thiếu 3 đợt nước cuối vụ, phải chống hạn. Lượng nước tại 150 hồ do các địa phương quản lý cũng chỉ đảm bảo được 6.124 ha cây trồng, còn 1.629 ha sẽ không sản xuất được vì không có nước tưới.

Không chỉ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp mà ngay cả nước sinh hoạt cũng sẽ rất căng thẳng. Đầu mùa khô, chắc chắn có 5.855 hộ tại các xã: Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ; Canh Thuận, Canh Hiệp, thị Trấn Vân Canh, huyện Vân Canh; Bình Thuận, huyện Tây Sơn sẽ thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng xâm nhập mặn rất dễ xảy ra tại nhiều xã mạn Đông các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Do vậy, ngay từ bây giờ cần phải triển khai các biện pháp tích cực để phòng chống hạn.

Nhiều diện tích đất không chủ động được nước tưới, nông dân huyện Phù Cát đã cải tạo chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn.

Linh hoạt thích ứng với hạn hán

Lo lắng nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến KT-XH của tỉnh nhà, ngày 11.2, sau khi đi kiểm tra tiến độ thi công hệ thống kênh tưới Thượng Sơn, huyện Tây Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các cấp nhanh chóng xây dựng và thực hiện các phương án phòng chống hạn một cách linh hoạt. Ngày 13.2, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc họp bàn các giải pháp phòng chống hạn. Theo đó, ngay sau khi thu hoạch vụ ĐX 2019 - 2020, tỉnh ta sẽ triển khai vụ Hè và đẩy lịch gieo sạ vụ Thu lên sớm hơn so với năm trước từ 5 - 10 ngày nhằm tận dụng độ ẩm trong đất, rút ngắn số ngày nắng nóng, hạn chế lượng nước tiêu hao. Vụ sản xuất này, các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày có tiềm năng về năng suất và chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Những diện tích đất lúa kém hiệu quả thì chuyển sang các loại cây trồng cạn và tiến hành làm đất, xuống giống ngay sau khi thu hoạch vụ ĐX.

Là đơn vị đảm nhiệm việc cung cấp nước tưới cho nhiều diện tích cây trồng vụ HT của cả tỉnh, Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định rà soát và cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, trên cơ sở đó điều tiết nước giữa các hệ thống tưới phù hợp. Ông Lê Trung Cang, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: "Qua tính toán của chúng tôi, có 600 ha lúa (500 ha ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, TP Quy Nhơn và 100 ha ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn ăn nước từ các công trình do công ty quản lý) bị thiếu nước tưới. Phương án của công ty là điều tiết 12 triệu m3 nước từ hồ Thuận Ninh, huyện Tây Sơn về sông Côn và 5 triệu m3 nước từ hồ Vạn Hội, huyện Hoài Ân về sông Lại Giang; điều tiết nước từ hệ thống tưới Văn Phong qua lưu vực sông La Tinh khoảng 1,3 m3/giây để cung cấp nước tưới cho diện tích nói trên.

Công tác phòng chống hạn hán cũng đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai sớm. Riêng huyện Phù Mỹ -địa phương thường chịu nhiều thiệt hại do nắng hạn gây ra - đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống hạn, đồng thời kiểm tra, xác định lượng nước hiện có tại các công trình thủy lợi, vùng có nguy cơ bị hạn hán trong vụ HT, thông báo cho địa phương và nông dân biết. Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: "Vụ HT năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thành lập thêm nhiều tổ đội thủy nông để quản lý điều tiết nước tưới. Huyện cũng tập trung sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước sạch, mở rộng hệ thống đường ống dẫn nước để cung cấp cho người dân".

Nhận định khả năng xảy ra hạn hán trong vụ HT năm 2020 nghiêm trọng hơn năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các cấp cần phải tích cực, sẵn sàng chống hạn, hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, trong đó ưu tiên nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình nước sạch để cung cấp cho người dân. Các địa phương phải xác định cụ thể vùng chủ động nước tưới, vùng thiếu nước tưới theo các mức độ khác nhau, trên cơ sở đó xây dựng và chỉ đạo kế hoạch sản xuất phù hợp. Những vùng sản xuất lúa, nhưng thường xuyên bị thiếu nhiều đợt tưới thì vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn hoặc không sản xuất vì kinh phí chống hạn còn cao hơn nhiều so với sản lượng thóc thu được.

Nguồn Báo Bình Định