CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Bình định nỗ lực phòng, chống khai thác IUU - Kỳ 2: Chính quyền quan tâm, ngư dân đồng thuận
Thứ sáu 15/10/2021 10:55
Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động nghề cá. Những bước đi tiên phong của tỉnh Bình Định trước đó đã tạo đà thuận lợi thực thi Luật Thủy sản, trong đó có nhiều quy định chi tiết về phòng, chống khai thác IUU.

Quan tâm chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền

Để thực hiện Luật Thủy sản và Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 12.12.2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác chống khai thác IUU, tính đến nay đã ban hành 60 văn bản chỉ đạo thực hiện (trong đó có 1 chỉ thị, 29 quyết định…) và tổ chức 15 cuộc họp của tỉnh để đánh giá, rút kinh nghiệm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Bình Định năm 2020, tìm hiểu việc mua bán hải sản ở Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Sở thành lập Ban Chỉ đạo, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực thi Luật Thủy sản; phòng, chống khai thác IUU hằng năm. Qua đó, tỉnh đã ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo và đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển khai thực hiện; tham mưu tổ chức 30 đợt công tác kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện tại các cảng cá, UBND xã, phường ven biển.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển thành lập ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Thủy sản và phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, đưa nội dung "không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài" vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Người đứng đầu chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tàu cá vi phạm.

Bình Định là một điểm sáng trong phòng, chống khai thác IUU

"Trong những đợt kiểm tra thực tế về công tác thực thi Luật Thủy sản, chống khai thác IUU tại Bình Định vào năm 2019, 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của Bình Định - một trong những điểm sáng của cả nước trong phòng, chống khai thác IUU. Khi ấy Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Bình Định không được chủ quan, mà phải làm tốt hơn nữa việc chống khai thác IUU, nhất là giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài…".

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống khai thác IUU và Luật Thủy sản cũng được đẩy mạnh trong 3 năm qua. Toàn tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị triển khai Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Thủy sản; 75 buổi tuyên truyền cho khoảng 5.000 lượt người là chủ tàu/thuyền trưởng; xây dựng 10 pa nô tuyên truyền tại cảng cá Tam Quan, Quy Nhơn, Đề Gi và các xã, phường ven biển. Hằng năm, phát trên 6.000 tờ rơi cho chủ tàu, dán trên các tàu cá và dán 50 áp phích với nội dung chống khai thác IUU tại các cảng cá, nơi tập đông ngư dân.

Các đơn vị liên quan cũng đã cung cấp nhiều thông tin, viết bài tuyên truyền về nội dung chống khai thác IUU, Luật Thủy sản gửi các địa phương ven biển, ven đầm phát trên đài truyền thanh huyện, thành phố và các xã, phường ven biển cho ngư dân biết. BĐBP tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tổ chức cho tất cả chủ tàu khai thác xa bờ (đủ điều kiện được cấp giấy phép) ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chuyển biến tích cực trong ngư dân

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp quản lý; kiểm soát chặt chẽ các thủ tục, giấy tờ đối với tàu cá ra vào cảng; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp nhận thức ngư dân trong chấp hành Luật Thủy sản, chống khai thác IUU được nâng lên rõ rệt.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngư dân Bình Định đã nâng cao nhận thức chấp hành Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá vỏ thép BĐ 99169-TS, chia sẻ: "Qua các đợt tuyên truyền, tập huấn, hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ đều nắm bắt Luật Thủy sản, quy định IUU và cùng thực hiện. Nói không ngoa chứ bây giờ ngư dân Bình Định mình nắm rất rành về câu chuyện "thẻ vàng" thủy sản, không nắm quy định là thôi ở nhà đi, đừng ra biển". Còn chủ tàu Võ Thành Trọng (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), thì cho biết: "Tàu của tôi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và làm thủ tục bổ sung các giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy theo quy định để được hoạt động. Mỗi lần ra vào cảng cá, tôi đều khai báo đầy đủ thủ tục, trình kiểm tra sổ danh bạ thuyền viên, các loại chứng chỉ, giấy phép". 

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc nhìn nhận, hoạt động khai thác thủy sản lâu nay vẫn mang tính "nghề cá nhân dân" đã chuyển biến tích cực sang nghề cá có trách nhiệm, tuân thủ các quy định. Điều quan trọng nhất để thực hiện công tác này là ý thức ngư dân trong chấp hành, nhất là đối với đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh. Trong 2 năm (2018 - 2019), cả tỉnh có 41 tàu cá/305 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ; từ năm 2020 đến nay, chỉ có 27 tàu cá/170 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

TX Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh với khoảng 2.300 tàu. Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công chia sẻ: "Tác động để chuyển biến nhận thức ngư dân trong chống khai thác IUU, không phải nói là làm được ngay, mà là cả một quá trình tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Khi ngư dân nhận ra Nhà nước làm vì lợi ích của chính họ, bà con sẽ tin tưởng, đồng lòng thực hiện".

"Hoạt động khai thác thủy sản mang tính "nghề cá nhân dân" đã chuyển biến tích cực sang nghề cá có trách nhiệm. Điều quan trọng nhất để thực hiện công tác này là ý thức ngư dân trong chấp hành, nhất là đối với đội tàu đánh bắt xa bờ…".

Đúc kết này của lãnh đạo TX Hoài Nhơn được chúng tôi kiểm chứng qua trò chuyện với nhiều chủ tàu, thuyền trưởng ở xứ Dừa, họ nhận thức được nghề cá có phát triển bền vững thì sinh kế ngư dân mới được lâu dài.

Trước chuyến đi khai thác cuối tháng 8.2021 ở vùng biển Trường Sa, ngư dân La Văn Trắng (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu BĐ-95951-TS, bộc bạch: "Ngư dân chúng tôi nhắc nhở nhau không liều lĩnh vi phạm vùng biển nước ngoài để mong khai thác nhiều hơn. Dù tạo thu nhập trang trải cuộc sống gia đình mình là quan trọng nhất, nhưng không được làm trái pháp luật, từ "một con sâu làm rầu nồi canh" ảnh hưởng chung đến nhiều nỗ lực thực thi Luật Thủy sản, chống khai thác IUU...". 

Trong 2 năm 2018 - 2019, có 21 tàu cá/189 ngư dân Hoài Nhơn vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân đã đem lại kết quả rõ rệt: Năm 2020 giảm gần hết tình trạng tàu cá Hoài Nhơn vi phạm so với trước, từ đầu năm 2021 đến nay đã không còn tình trạng vi phạm.

Nguồn Báo Bình Định